Ngày pháp luật

Dự luật PPP sẽ có cơ chế bảo lãnh thu hút nhà đầu tư

Linh Linh

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung, Dự luật Đầu tư theo đối tác công tư (Luật PPP) đưa ra cơ chế bảo lãnh như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... Đây là cơ chế đột phá, cần thiết để thu hút nhà đầu tư tham gia dự án theo hình thức PPP.

Nóng Dự án Dầu Giây - Phan Thiết ...

Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật PPP của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 29/8, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Đặng Huy Đông đã thẳng thắn cho rằng dự án thí điểm theo hình thức PPP Dầu Giây - Phan Thiết đã không thành công, khiến chính sách loay hoay suốt 10 năm qua.

Theo ông Đông, trong Dự án này, Chính phủ vay vốn của nhà tài trợ, bảo lãnh để đưa cho một DN tư nhân là Bitexco đầu tư dự án. Và hậu quả của bước đi đầu tiên sai lệch đó là người ta đổ xô làm PPP bằng các nhận thức khác nhau kiểu “thầy bói xem voi”, để rồi ra thứ BOT lộn xộn, lổn nhổn như hiện nay. 

Dự luật PPP sẽ có cơ chế bảo lãnh thu hút nhà đầu tư - Ảnh 1

Vấn đề này lại được làm nóng tại buổi họp báo của Chính phủ chiều 4/9. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết dự án Dầu Giây - Phan Thiết thực hiện thí điểm theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD, có hai đơn vị tham gia, trong đó có Bitexco.

Trong 750 triệu USD thì Nhà nước hỗ trợ 250 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, Bitexco bố trí khoảng 300 triệu USD. Tuy nhiên dự án này đã không thành công, tháng 3/2018 đã chấm dứt thí điểm dự án.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, sau khi dừng thí điểm, Dự án Dầu Giây - Phan Thiết đã được đưa vào dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, Nhà nước tham gia khoảng 2.500 tỷ đồng…

Bài học khi xây dựng dự luật PPP

Thông tin về dự án Luật PPP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Dự luật này được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định là các nghị định đang có (trước đây là Nghị định 108/2009/ND-CP, sau đó là Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Nghị định 63/2018/NĐ-CP). Đây là khung khổ pháp lý thực hiện dự án PPP suốt thời gian qua. Thứ trưởng cũng cho biết, đến nay đã đã thực hiện được 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án BOT.

“Mặc dù còn những vấn đề tồn tại nhưng các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên để hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ nhận thấy hiện khung pháp lý chỉ dừng ở các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động PPP…”- Đại diện Bộ KH&ĐT lý giải sự cần thiết xây dựng Luật PPP.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các NĐT nước ngoài nên trong dự luật PPP có đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro….

“Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút được các NĐT thực hiện các dự án PPP vì bản chất của dự án PPP là dự án có tính chất đầu tư công nhưng do chúng ta chưa có nguồn lực nên kêu gọi các NĐT tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án Chính phủ đều tham gia để đảm bảo khả năng thực hiện dự án hiệu quả…”, Thứ trưởng khẳng định.

Được biết, theo Dự luật trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra ngày 29/8 vừa qua, dự án Luật này đã được bổ sung các nội dung về hình thức huy động vốn thứ cấp cho các dự án PPP. Cụ thể, DN dự án được phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện dự án PPP sau khi hoàn thành xây dựng công trình (đối với dự án có cấu phần xây dựng) hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành (đối với dự án không có cấu phần xây dựng).

Nhằm hạn chế rủi ro cho NĐT dự án PPP, dự thảo Luật đã đưa vào quy định: Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng VNĐ. 

Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ cam kết chia sẻ với NĐT, DN dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng…

Tin Cùng Chuyên Mục