Những năm qua, lượng khách đến Khánh Hòa tiếp tục tăng trưởng tốt kéo theo đó là việc phát triển mạnh các cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, các điểm vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên biểu diễn văn hoá nghệ thuật, rạp xiếc, trung tâm hội nghị quốc tế, siêu thị miễn thuế, các công trình điểm nhấn về dịch vụ du lịch lại không được địa phương này trú trọng.
|
Khánh Hòa có lợi thế biển đảo nhưng chưa có sản phẩm xứng tầm. (Ảnh: Khải An) |
Tiến sĩ Lê Chí Công – Trưởng khoa Du lịch Đại học Nha Trang cho rằng, Khánh Hòa đã nỗ lực rất nhiều về phát triển du lịch trong những năm vừa qua. Đặc biệt là việc thu hút khách du lịch rất ấn tượng so với các địa phương có lợi thế du lịch biển đảo trong khu vực duyên hải miền Trung.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, các sản phẩm du lịch chưa được đa dạng và tính hấp dẫn chưa cao so với các địa phương có lợi thế du lịch biển, đặc biệt khi xác định vươn tầm quốc tế.
“Có thể thấy tại Khánh Hòa, chỗ lưu trú nhiều nhưng các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm… rất ít và tính cạnh tranh vẫn chưa cao. Thực tế đối với các nước trong khu vực có lợi thế về biển đảo như Pkuket, Bali… các sản phẩm du lịch tại Khánh Hòa gần như thua xa”, TS Lê Chí Công nhận định.
|
Tour biển đảo vẫn hút khách ngày càng xuống cấp. (Ảnh: Khải An) |
Theo Trưởng khoa Du lịch ĐH Nha Trang, việc yếu về các sản phẩm du lịch là một trong những lý do khiến thời gian lưu trú của du khách giảm xuống và tỷ lệ quay trở lại vẫn còn rất thấp.
“Qua nghiên cứu của cá nhân tôi, tỷ lệ khách lưu trú tại Nha Trang – Khánh Hòa thấp hơn mức bình quân của các địa phương. Tỷ lệ quay trở lại vẫn còn rất thấp.
Do đó, để thu hút, giữ chân và đưa du khách quay trở lại, Khánh Hòa cần có những sản phẩm du lịch độc đáo gắn liền với điều kiện tự nhiên, cụ thể là lợi thế biển đảo như thể thao biển, bến tàu du lịch… Tuy nhiên, việc phát triển này phải gắn với khu vực quy hoạch, không nên phá vỡ quy hoạch chung hay phá nát vịnh Nha Trang”, TS Lê Chí Công chia sẻ.
Vị trưởng Khoa Du lịch cũng cho rằng, Khánh Hòa có thể học hỏi một số mô hình trên thế giới để áp dụng tại địa phương. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng đã có những giá trị văn hóa có thể quản bá và thu hút du khách quốc tế, do đó cũng cần có những trung tâm triển lãm xứng tầm để phát huy.
Cần cơ chế thông thoáng
|
Lợi thế về biển đảo vẫn chưa được phát huy nên chưa có sản phẩm độc đáo. (Ảnh: Khải An) |
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng – Trưởng Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch thuộc viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, để có một sản phẩm du lịch tốt cần phải xác định bản chất sản phẩm du lịch, trong đó phần lõi là tài nguyên và phần bao quanh lõi chính là dịch vụ - một trong những điểm quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch.
“Khánh Hòa mạnh về tài nguyên biển đảo nên cần phải xoay quanh nguồn tài nguyên này nhưng phải gắn kết với dịch vụ. Sản phẩm du lịch yếu sẽ tác động đến lượng khách.
Khi phát triển sản phẩm du lịch đồng nghĩa với phát triển dịch vụ du lịch, và khi phát triển dịch vụ mới có thể thu hút và giữ chân khách cũng như đưa khách trở lại. Chính điều này mới tăng nguồn thu trong du lịch”, ThS Nguyễn Quốc Hưng lý giải.
Theo vị Trưởng Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch, các sản phẩm du lịch tại Khánh Hòa cần có sự đổi mới, khác biệt. Ngoài ra cần kết hợp các dịch vụ phụ trợ như tham quan các làng nghề như làng dệt chiếu, làng đúc đồng đã có thời gian lâu đời tại địa phương.
|
Cần kết hợp các dịch vụ phụ trợ như tham quan các làng nghề. Trong ảnh, du khách thích thú thử nghiệp dệt chiếu tại Xóm Chiếu - TP Nha Trang (Ảnh: Khải An). |
“Tôi cho rằng một công viên vui chơi sinh thái biển, khu thể thao biển hoặc nổi trội như nhà hàng 360 độ trên cao ngắm vịnh Nha Trang cũng là một phương án khả quan. Tuy nhiên việc kết nối giao thông, hạ tầng cũng cần được xem lại. Nếu không kết nối thì sản phẩm có tốt cũng không có người đến.
Do đó, chính quyền cần hỗ trợ về chính sách và hạ tầng để doanh nghiệp có thể tạo ra những sản phẩm mới. Bên cạnh đó cũng cần có sự ủng hộ của người dân, như cùng nhau bảo vệ môi trường, thể hiện sự thân thiện với du khách.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải phát huy bảo tồn những giá trị có sẵn không nên phá vỡ nguy hoạch chung của địa phương”, ông Hưng chia sẻ.
Là một người gắn bó và am hiểu du lịch Khánh Hòa trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết hiện Nha Trang – Khánh Hòa đang thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, nhất là các dịch vụ về đêm.
Ông Thành cho biết, hiện Khánh Hòa đã có qui hoạch các khu mua sắm qui mô, khu miễn thuế… nhưng đến nay vẫn chưa khởi động nên cần có chính sách ưu đãi, tạo cơ chế để các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, địa phương phải lập được các dự báo về nguồn khách sắp tới để các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và sản phẩm du lịch và hàng hóa.
Ông Trần Hà – Phó chủ tịch Hội Văn hóa – Nghệ thuật Khánh Hòa Trước đây, Nha Trang có một phòng tranh trên đường 2/4, nơi đây thu hút các họa sĩ và du khách quốc tế đến tham quan, giao lưu và mua bán các tác phẩm hội họa. Nơi đây cũng từng tổ chức các cuộc triển lãm qui mô và thu hút rất đông du khách. Những năm qua Khánh Hòa phát triển mạnh về du lịch nhưng đang thiếu một địa điểm để giới thiệu văn hóa bản địa, nơi trưng bày giới thiệu tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ. Nhiều địa phương khác mạnh về du lịch như Huế, Đà Nẵng đã có những trung tâm xứng tầm để tổ chức các cuộc triển lãm, giới thiệu văn hóa và các tác phẩm tuy nhiên Khánh Hòa vẫn còn nằm trên dự án. “Nhu cầu xem tranh, triển lãm, tham quan bảo tàng là rất lớn đối với các du khách đến Khánh Hòa tuy nhiên đến nay địa phương vẫn chưa có một nơi xứng tầm”, ông Hà nhận định.