Ngày pháp luật

Dự án FDI từ Trung Quốc tăng nhanh: Doanh nghiệp ngành gỗ mừng ít, lo nhiều…

Thanh Thanh

Không chỉ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc dịch chuyển đầu tư các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt các DN ngành gỗ…

Cơ hội…

Tại hội thảo “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu (XNK)” do Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng lợi lớn từ cuộc chiến Mỹ - Trung.

Theo ông Phúc, thuế các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc xuất vào Mỹ gia tăng làm một số DN Trung Quốc từ bỏ đơn hàng, từ đó tạo ra khoảng trống về thị trường, và điều này trở thành cơ hội cho các DN Việt Nam..

Dự án FDI từ Trung Quốc tăng nhanh: Doanh nghiệp ngành gỗ mừng ít, lo nhiều… - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là các đầu tư về mảng ván ép

 

Kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh, đặc biệt từ nửa cuối 2018, từ 3,1 tỷ USD năm 2017 lên 3,6 tỷ USD 2018, tương đương với gần 30% về tăng trưởng. Kim ngạch XK sang thị trường này tăng mạnh, bắt đầu từ nửa sau của năm 2018. Trong 4 tháng đầu 2019, kim ngạch XK vào Mỹ đạt gần 1,4 tỷD US, tăng 1,4 lần so cùng kỳ 2018. 

“Nếu tốc độ mở rộng XK trong quý 1 được duy trì, Việt Nam sẽ chuyển từ vị trí thứ 12 năm 2018 lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng các nhà cung mặt hàng gỗ lớn nhất cho Mỹ trong năm 2019…” - Ông Phúc nhận định. Các mặt hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng XK vào Mỹ lớn nhất gồm gỗ dán, ván ép, ghế ngồi, nội thất nhà bếp. 

Cùng với đó, Việt Nam đã trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ, đặc biệt từ Trung Quốc. 

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, trong 5 tháng đầu 2019, có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ tương đương với 73% tổng số dự án năm 2018; quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành trong cả năm 2018. Trong số quốc gia đầu tư, Trung Quốc đứng đầu bảng, với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ. Quy mô các dự án đầu tư mới nhỏ, trung bình khoảng trên dưới 2 triệu USD/dự án. 

Gia tăng đầu tư FDI vào ngành gỗ trực góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành, tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách…

Coi chừng tiếp tay cho gian lận…

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng XK. Theo chuyên gia đến từ Forest Trends, các dự án đầu tư FDI, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua có thể là chiến lược của các DN Trung Quốc trong việc né thuế XK vào thị trường Mỹ. 

“Các dự án đầu tư FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua có quy mô vốn nhỏ, điều này có thể là chiến lược né thuế của các DN này. Nếu điều này đúng, đây sẽ là rủi ro lớn cho ngành gỗ Việt Nam vì có liên quan đến gian lận thương mại…” - Ông Phúc cảnh báo.

Ngoài ra, đã có một số tín hiệu cho thấy nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam được mở rộng thông qua các kênh như mở rộng quy mô sản xuất (SX) tại Việt Nam, hoặc thông qua các hoạt động mua bán, sát nhập DN Việt, hoặc qua hình thức thuê các công ty Việt Nam gia công chế biến, với các mặt hàng gỗ được SX từ các dự án này được gắn mác sản phẩm từ Việt Nam trước khi XK vào thị trường Mỹ. 

“Rủi ro trong các mặt hàng XK từ Việt Nam vào Mỹ được hình thành khi các sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu (NK) vào Việt Nam, qua sơ chế, hoặc không sơ chế, sau đó lấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam để xuất vào Mỹ nhằm né thuế. Các DN ngành gỗ Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, không tiếp tay gian lận cho DN FDI Trung Quốc đầu tư để tránh bị vạ lây…” - ông Phúc cảnh báo. 

Hiện các cơ quan chức năng của Mỹ đang mở cuộc điều tra về 5 công ty của Mỹ NK mặt hàng ván ép từ Trung Quốc với xuất xứ từ Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc lợi dụng xuất xứ từ Việt Nam là hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt. 

Theo bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm XK sang Hoa Kỳ, DN cần phải nắm vững những quy định cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ hàng hóa. Nếu DN không nắm vững những điều kiện này thì sẽ là hiểm họa đối với họ. “Khi Hoa Kỳ phát hiện DN nào gian lận về xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa đó sẽ bị chặn lại và những DN khác có thể sẽ bị ảnh hưởng theo…” - Bà Hương lưu ý.

Hiện VCCI đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và từng đơn vị cấp C/O cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại DN về nhà xưởng, máy móc, năng lực SX...

Đại diện Cục XNK (Bộ Công Thương) cũng lưu ý đến các hoạt động đầu tư hợp tác của DN trong ngành gỗ. Theo đó, các cơ quan quản lý luôn ủng hộ các DN làm ăn chân chính, bài bản và tận dụng cơ hội hợp tác, tẩy chay những DN làm ăn không chân chính, chụp giật chạy theo những lợi ích trước mắt.

Đại diện các tổ chức, hiệp hội ngành gỗ cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về những rủi ro trong các dự án đầu tư FDI đối với những sản phẩm XK. Những đánh giá này bao gồm việc mở rộng dự án, các dự án mua cổ phần, mua – bán sáp nhập DN…

Tin Cùng Chuyên Mục