Hôm 20/11, Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy (EE) đã cập nhật những thông tin mới nhất về dự án điện gió Thăng Long Wind dự kiến xây dựng ngoài khơi tỉnh Bình Thuận. Theo thông cáo báo chí của EE, dự án Thăng Long Wind là dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất dự kiến lắp đặt là 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ đô la Mỹ. Dự án xây dựng ngoài khơi cách mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận từ 20 km – 50 km.
Vào tháng 6/2019, Tập đoàn Enterprize Energy đã chính thức nhận được giấy phép khảo sát dự án Thăng Long Wind, khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận
Hiện tại, dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các bộ ban ngành và tỉnh Bình Thuận. Phía EE mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm cho phép bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind vào quy hoạch điện VIII.
Nếu được Chính phủ Việt Nam cho phép bổ sung vào quy hoạch thì tập đoàn này sẽ tiến hành xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025 với 600 MW tuỳ thuộc vào khả năng kết nối lưới điện quốc gia. Toàn bộ 3.400 MW của dự án sẽ hoàn thành và phát điện cuối năm 2029 đầu năm 2030.
EE đang phối hợp với các đối tác, nhà thầu trong và ngoài nước quyết tâm triển khai dự án trong 5 giai đoạn, trong đó sẽ triển khai xây dựng 600MW - 800MW mỗi giai đoạn. Ngoài ra, Tập đoàn EE cũng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để nâng công suất lưới điện nhằm truyền tải điện năng từ dự án Thăng Long Wind đến người tiêu dùng.
Phía Tập đoàn EE cho biết, dự án Thăng Long Wind có tỷ lệ nội địa hóa cung cấp tối thiểu 50% tổng giá trị đầu tư của dự án bao gồm việc khảo sát, tư vấn thiết kế, mua sắm; gia công chế tạo chân đế; tháp gió; trạm biến áp trong bờ….tương đương giá trị từ 6 - 8,3 tỷ đô la Mỹ trong tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, phía EE cam kết đào tạo và tối đa hóa nguồn lực địa phương tại chỗ làm việc cho dự án. Đặc biệt EE hiện đang sử dụng nguồn lực là các chuyên gia về môi trường và kỹ thuật ngay tại địa phương.
Phía EE cũng sẽ triển khai các hoạt động như cung cấp các chuyên gia tư vấn để làm việc với ngư dân tại khu vực triển khai dự án, tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn các phương thức đánh bắt, khai thác an toàn, phù hợp trong khu vực dự án.
Khi dự án này triển khai thành công sẽ tạo đột phá để thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi Việt Nam, thông qua dự án này Chính phủ Việt Nam có thể xem xét xây dựng được hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này.
Dự án điện gió Thăng Long Wind là dự án được đầu tư bởi tổ hợp các công ty về năng lượng đứng đầu là Tập đoàn Enterprize Energy cùng các đối tác nước ngoài là Société Générale (SOC GEN); MHI Vestas Offshore Wind (MVOW); ODE. Các đối tác trong nước cùng thực hiện các dự án này gồm Vietsovpetro; PVC – MS; EVN PECC3; Haduco và Hemera Media.
Link bài gốc