Ngày pháp luật

Dự án "biến cỏ thành tiền" khiến Shark Bình và Shark Liên khẩu chiến dữ dội trên truyền hình

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Màn gọi vốn này thực sự là có 1-0-2 trong lịch sử Shark Tank Việt Nam.

Xuất hiện trong tập 8 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, chị Nguyên Võ tự giới thiệu mình là nhà sáng lập & CEO của dự án ống hút cỏ Green Joy Straw. Đứng trước các "cá mập", CEO này kêu gọi 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Dự án được ra đời sau những ngày tháng day dứt của CEO Nguyên Võ, khi chị chứng kiến thực trạng môi trường, hệ sinh thái thiên nhiên đang bị huỷ hoại nặng nề bởi rác thải nhựa.

Dự án

 CEO Nguyên Võ

Với mục tiêu bảo vệ môi trường, Green Joy Straw là tên sản phẩm ống hút cỏ thiên nhiên, một giải pháp thay thế ống hút nhựa. Theo CEO Nguyên Võ, loại ống hút này rất dễ phân hủy, an toàn cho sức khỏe.

Quá trình sơ chế, sản xuất ống hút cũng đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho người dân tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Sau 8 tháng hoạt động, Greenjoy đã phân phối cho hơn 100 chuỗi nhà hàng khách sạn & 30 thị trường nước ngoài. Doanh số đạt 830 triệu đồng.

Dự tính, cuối năm 2019, công ty sẽ đạt doanh số 13 tỷ, và đến năm 2022 là 100 tỷ. Bên cạnh đó, Greenjoy cũng sở hữu xưởng sản xuất riêng, có đầy đủ giấy tờ kiểm nghiệm vệ sinh. Về cơ cấu cổ đông, hiện tại, CEO Nguyên Võ nắm 70% cổ phần.

Trong số khách hàng, thị trường mà Greenjoy đã tiếp cận, có cả những cái tên lớn từ Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản...

Tự nhận công ty chỉ là một "startup nhỏ", thế nhưng, CEO Nguyên Võ tự tin có thể phát triển dự án này một cách lâu dài và bền vững.

Shark Bình: "Em không phải nói nữa, anh... đầu tư luôn"

Khi màn thuyết trình của CEO Nguyên Võ còn chưa kết thúc, Shark Bình đã vội ngắt lời và khiến người xem bất ngờ, khi tung ra câu "chốt" đầu tư nhanh không tưởng:

"Em không phải nói nữa, anh.... đầu tư luôn".

Dự án

Và khi CEO cùng các "cá mập" khác chưa kịp hiểu điều gì đang diễn ra, Shark Bình ngay lập tức tiếp lời: "Không cần hỏi gì nữa, vì anh sẽ giúp em xuất khẩu sản phẩm này ra thế giới."

Anh khẳng định: "Đây sẽ là deal đầu tư ngắn nhất của Shark Tank". Đổi lại, Shark Bình đưa ra điều kiện được nhận thêm 5% cổ phần (2 tỷ đổi lấy 25% cổ phần).

Về phía Shark Liên, bà đánh giá cao tình yêu môi trường, và ý tưởng "biến cỏ thành tiền" của startup. Nếu đồng ý hợp tác, Shark Liên khẳng định sẽ mang về cho Greenjoy một khách hàng rất lớn tại thị trường Đức. "Khi bạn vào được Đức, bạn sẽ vào được cả Châu Âu" - "cá mập bà ngoại" thuyết phục CEO Nguyên Võ.

Shark Việt cho rằng mức giá sản phẩm đang quá cao. Thêm vào đó, ông không thích đầu tư vào những sản phẩm chạy theo xu thế thị trường. Chính vì vậy, Shark Việt từ chối rót tiền.

Bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh chưa được giải quyết cũng chính là lý do khiến Shark Hưng "lắc đầu" khi nói về quyết định đầu tư.

Dự án

 

Shark Dũng chia sẻ anh rất thích dự án này. Thế nhưng, về góc độ thẩm mỹ, anh cho rằng sản phẩm ống hút chưa thực sự tinh tế. Đồng thời, vị cá mập này nhận thấy mức giá đang có sự bất hợp lý, và có thể không thể cạnh tranh được với các loại ống hút thông thường. 

Tuy nhiên, dựa vào những con số khả quan mà CEO Nguyên Võ cung cấp, Shark Dũng "chốt deal" 2 tỷ cho 20% cổ phần, với điều kiện ít nhất startup phải thực hiện được 80% giá trị các hợp đồng được đề cập. Nếu không đạt KPI, Shark Dũng sẽ lấy 40% cổ phần.

Ba "cá mập" tranh giành quyết liệt

Shark Liên tiếp tục tái khẳng định đầu tư 2 tỷ cho 20%, với điều kiện sản phẩm đạt được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sức khoẻ người dùng. Số tiền lợi nhuận Shark Liên thu được sẽ được chuyển vào Quỹ Môi trường Việt Nam, nhằm tiếp tục hỗ trợ các startup cùng lĩnh vực.

Màn thương thuyết càng trở nên gay cấn và quyết liệt. Không chịu nhường các cá mập khác, Shark Bình tiếp tục khẳng định: "Riêng startup này làm tôi thay đổi hoàn toàn thái độ, yêu từ cái nhìn đầu tiên".

Dứt lời, Shark Bình đi xuống dưới khu vực thuyết trình, tiếp tục "rót mật vào tai" CEO Nguyên Võ. Thứ nhất, anh có thể đồng hành trong việc phát hành công nghệ, góp phần giảm giá thành sản xuất. Thứ hai, NextTech của Shark Bình có thể đưa Greenjoy vươn xa tầm thế giới.

Luận điểm "giúp startup bằng công nghệ" của Shark Bình ngay lập tức bị hai Shark Liên, Shark Dũng phản bác dữ dội. Shark Liên khẳng định "startup này không cần đến công nghệ", còn Shark Dũng khăng khăng "CEO cần có góc nhìn kinh doanh".

Với sự quyết tâm phải giành được Greenjoy bằng mọi giá, Shark Liên tuyên bố sẽ "viết séc, xuống tiền ngay khi phát sóng" và biến đây trở thành thương vụ lịch sử của Shark Tank Việt Nam.

Shark Liên: "Tôi không muốn nhìn thấy mặt Shark Bình trong dự án này"

Sau thời gian hội ý, CEO Nguyên Võ bày tỏ sự trân trọng với cả hai "deal" của Shark Bình và Shark Liên, nhưng lại dành sự quan tâm nhiều hơn tới mảng công nghệ của ông chủ tập đoàn NextTech. 

Thương vụ vẫn chưa thể "chốt deal" bởi màn khẩu chiến dữ dội từ Shark Liên. "Bà ngoại U60" tự tin có thể hỗ trợ công nghệ không thua bất cứ ai, hơn nữa, giúp startup mở rộng thị trường "nhanh, mạnh", hỗ trợ tất cả những gì startup cần.

Dự án

 

CEO Nguyên Võ thương lượng: "Shark Liên cùng đầu tư với Shark Bình, mỗi người 2 tỷ cho 20%, có nghĩa là tổng cộng 4 tỷ cho 40%".

Không cần suy nghĩ, Shark Liên "phũ phàng": "Tôi sẵn sàng bỏ ra 4 tỷ và không muốn nhìn thấy mặt Shark Bình trong dự án này".

Sau khi nghe Shark Dũng tư vấn, CEO Nguyên Võ đưa ra "deal" cuối cùng cho Shark Liên: 4 tỷ đồng đổi lấy 33% cổ phần công ty. Tới lúc này, Shark Liên vui vẻ đồng ý và hai bên cùng bắt tay hợp tác với thoả thuận trên.

Tin Cùng Chuyên Mục