Thực tế, cho dù có thể biến đổi muôn hình vạn trạng trên nền trời đêm thì drone vẫn không bao giờ thể thay thế được pháo hoa. Đây là điều mà không chỉ khán giả mà cả các chuyên gia đều khẳng định.
Pháo hoa cho trải nghiệm thị giác chân thực
Không chỉ là một biểu tượng của mỹ thuật, pháo hoa còn là một trải nghiệm thị giác đích thực. Việc hòa mình vào bữa tiệc ánh sáng rực rỡ với những cột khói lấp lánh cùng âm thanh vang vọng từ pháo hoa tạo nên những xúc cảm kỳ diệu và phấn khích cho người xem, điều mà trình diễn drone chưa thể làm được.
Khoảnh khắc tiếng pháo nổ giòn giã cùng những bông pháo bung tỏa trên nền trời với nhiều hình thù, màu sắc luôn mang đến cho khán giả những cảm xúc thăng hoa, vỡ òa. Trong khi đó, drone có thể “vẽ” lên nhiều dạng hình ảnh ấn tượng khiến người xem trầm trồ, nhưng khi thiếu đi hiệu ứng bung tỏa của ánh sáng, tiếng nổ, âm nhạc, drone không thể làm cho khán giả vỡ òa với những xúc cảm như pháo hoa.
Bà Nadia Shakira Wong - Giám đốc Công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000, Nhà sản xuất sự kiện DIFF 2024 nhận định: “Mặc dù công nghệ trình diễn Drone đang rất phát triển nhưng tôi cho rằng, chúng sẽ không bao giờ thay thế được pháo hoa. Bởi cảm xúc khi xem drone kéo dài chỉ khoảng 20 giây, mà cảm xúc khi xem trình diễn pháo hoa là 20 phút. Sự trình diễn pháo hoa sẽ mang đến cảm nhận thưởng thức cho nhiều đối tượng khác nhau: cả người lớn, người già và trẻ em.
Quy mô của drone cũng vậy, khá là nhỏ và không tiếp cận được nhiều đối tượng. Còn khi xem trình diễn pháo hoa thì những người ở rất xa vẫn có thể chiêm ngưỡng trong bán kính 5 km. Mỗi năm nhà máy sản xuất pháo hoa sẽ cập nhật và cải tiến những công nghệ mới nhất để tạo ra những hiệu ứng mới mẻ hơn. Các đội thi trình diễn cũng phải kết hợp giữa ý tưởng và công nghệ để tạo ra những màn trình diễn xuất sắc. Pháo hoa vẫn là lựa chọn tốt nhất để thăng hoa cảm xúc của khán giả”.
Mang đến bất ngờ và khiến khán giả tò mò
Khi những bông pháo bung tỏa ra các chùm ánh sáng, những tia nổ sẽ tạo hiệu ứng hoàn toàn khác biệt trên bầu trời so với ánh sáng từ bóng đèn điện hay thiết bị trình chiếu drone. Nói cách khác, pháo hoa mang tính “động”, trong khi trình diễn drone mang tính “tĩnh”.
BTV - MC Lê Anh - Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:
“Bản chất của các môn nghệ thuật đó là sự đồng hành để làm giàu có đời sống tinh thần của con người. Cho nên, dù là những sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ hay những môn nghệ thuật truyền thống thì chúng vẫn sẽ đồng hành cùng nhau và sẽ không có chuyện cái này thay thế hay triệt tiêu cái kia. Tuy nhiên, những thứ mang tính “động” bao giờ cũng hấp dẫn và khơi gợi tò mò hơn những thứ “tĩnh”. Nếu phải so sánh giữa pháo hoa và trình diễn Drone, chúng ta thấy rằng những công nghệ chiếu sáng trên bầu trời là ánh sáng có sẵn và không khó đoán. Bởi vì khi lập trình được một thứ gì đó thì chúng ta sẽ dự đoán được và không còn bất ngờ về nó nữa. Trong khi pháo hoa khiến khán giả hồi hộp, tò mò và không thể rời mắt khỏi những tia sáng lóe lên trong màn đêm để rồi vỡ òa cảm xúc khi chiêm ngưỡng trọn vẹn hình ảnh bông pháo bung nở hoàn toàn trên nền trời”.
Sự tò mò và yếu tố bất ngờ làm nên sức hút riêng của những màn trình diễn pháo hoa
Bên cạnh đó, pháo hoa còn mang đến cho người xem một đặc quyền, đó là “đồng sáng tạo trải nghiệm”. Dưới những màn pháo hoa rực sáng, người xem thỏa sức tưởng tượng theo cách của mình.
“Từ lúc pháo hoa được đốt cho đến khi nó bung tỏa trên nền trời thì chúng ta chỉ có thể khẳng định được khoảng 80-90% hình dạng của nó và phần trăm còn lại dành cho những bất ngờ xen lẫn hồi hộp. Có nghĩa rằng những bông pháo hoa như một “giấc mơ” chưa thành hình, vẫn còn nằm trong sự thấp thỏm chờ đợi, hồi hộp và đầy khám phá với người thưởng thức. Chính vì thế, khi người xem pháo hoa đồng sáng tạo trải nghiệm với nhà tổ chức thì ở trình diễn chiếu sáng Drone, điều này khó đạt được. Bởi với drone thì người xem chỉ được quan sát những hình ảnh có sẵn, đồng nghĩa sự mới mẻ hay sự hấp dẫn của nó chỉ dành cho “những lần đầu tiên”, khi người ta chưa tiếp cận được với công nghệ drone. Và rất nhanh chóng, mọi người sẽ thấy nó trở nên đơn điệu, nếu không có sự thay đổi nội dung hoặc cách thức thể hiện. Trong khi với pháo hoa, người ta chưa thể đoán trước được hình dạng của chúng sẽ như thế nào, ngay cả người đốt cũng rất hồi hộp. Vì vậy với trình diễn pháo hoa, tất cả mọi người sẽ cùng nhau sáng tạo trải nghiệm và đồng hành trong những diễn biến nhiều tò mò của những màn trình diễn ánh sáng này” - MC Lê Anh phân tích thêm.
Còn khi bàn về yếu tố lịch sử và truyền thống, pháo hoa đã trở thành một phần không thể tách rời của nhiều lễ hội và sự kiện quan trọng khắp thế giới. Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 2020, hơn 70% người dân Mỹ cho biết họ mong chờ xem pháo hoa trong các lễ hội và ngày lễ quốc gia, chỉ khoảng 15% mong chờ trình diễn drone.
Sức hút từ những lễ hội pháo hoa quốc tế
Những xúc cảm cả về thính giác lẫn thị giác đã khiến những lễ hội pháo hoa quốc tế trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của hàng triệu du khách trên thế giới. Tiêu biểu phải kể đến những “thương hiệu” nổi tiếng như Lễ hội pháo hoa quốc tế Montreal (Canada); Pohang (Hàn Quốc); Katakai, Niigata (Nhật Bản); Festa del Redentore (Ý)..., và không thể không nhắc đến Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF).
Trải qua 11 kỳ tổ chức, DIFF đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng. Những "bản giao hưởng ánh sáng" bên dòng sông Hàn thơ mộng cùng những câu chuyện được kể bằng âm nhạc từ DIFF là một trong những lý do khiến lượng khách đổ về Đà Nẵng không ngừng tăng mỗi năm. Năm nay, DIFF lần thứ 12 trở lại với chủ đề “Made in Unity – Kết nối toàn cầu – Rạng rỡ năm châu” mang thông điệp về một thế giới hòa bình, hữu nghị, nhân văn và tôn vinh những giá trị truyền cảm hứng cho cộng đồng.
DIFF 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 8/6 – 13/7/2024, tại sân khấu pháo hoa bên sông Hàn, với sự tham gia của 8 đội pháo, gồm 7 đội quốc tế (Pháp, Ý, Mỹ, Đức, Ba Lan, Trung Quốc, Phần Lan) và đội đại diện Việt Nam đến từ Đà Nẵng. Đặc biệt, lễ hội năm nay chứng kiến sự góp mặt của 3 tân binh đến từ Đức, Trung Quốc và Mỹ.