Ngày pháp luật

Dow Jones tụt hơn 1.800 điểm, chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3

Giang Phạm

(Doanhnhan.vn) - Đóng cửa phiên 11/6, chứng khoán Mỹ ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3 khi nhà đầu tư lo ngại về tình hình dịch bệnh tại một số bang đang có chiều hướng hoạt động trở lại.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 1.861 điểm, tương đương 6,9%, đóng cửa ở mức 25.128 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,9% xuống còn 3.002 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 5,3% và kết thúc ngày ở 9.492 điểm.

Các chỉ số lớn đã trải qua một ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 16/3, khi tất cả đều giảm hơn 11%. S&P 500 cũng ghi nhận chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 3 ngày đầu tiên kể từ đầu tháng 3 tới nay.

Dow Jones tụt hơn 1.800 điểm, chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3 - Ảnh 1

Trong bối cảnh kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế đang có chiều hướng xấu đi nhanh chóng, nhóm cổ phiếu hàng không, các công ty vận tải tàu biển, các nhà bán lẻ cũng bị bán tháo mạnh. Cổ phiếu của United Airlines, Delta, American và Southwest đều giảm hơn 11%. Cổ phiếu của Carnival Corp và Norwegian Cruise Line đóng cửa với mức giảm ít nhất là 15,3%. Cùng với đó, cổ phiếu của Gap và Kohl's kết phiên thấp hơn lần lượt 8,1% và 11,2% so với phiên trước.

Mối lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai khi các tiểu bang ở Mỹ đẩy nhanh việc mở cửa trở lại. Texas đã báo cáo 3 ngày liên tiếp có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục. Chín quận thuộc California cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chia sẻ với CNBC rằng, về cơ bản "chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa".

Cho đến nay, chỉ số S&P 500 và Dow Jones vẫn tăng hơn 37% so với mức thấp ghi nhận hồi tháng 3. Đà tăng mạnh mẽ này diễn ra khi nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu công nghệ như Amazon, những công ty vẫn hoạt động tốt bất chấp đại dịch. Nếu tháng trước, việc mở cửa kinh tế đã thúc đẩy cổ phiếu hàng không tăng mạnh mẽ thì nay, nhà đầu tư lại đang tháo chạy khỏi những lĩnh vực này.

Cùng với cổ phiếu, tình trạng bán tháo cũng diễn ra tại thị trường dầu trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ bị đình trệ. Giá dầu WTI giảm 8,2% xuống mức 36,3 USD/thùng.

Các nhà đầu tư đổ xô tìm đến loại tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng khi đang có xu hướng tăng giá. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống 0,66% và chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần. Vàng tương lai tăng 1,1% lên 1.739 USD/ounce.

Tin Cùng Chuyên Mục