Sau hơn 15 năm hoạt động, "hệ sinh thái” của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) có 15 công ty thành viên, hơn 1.500 nhân sự và hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam được thành lập từ năm 2004. Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm người đại diện pháp luật của Trungnam Group là ông Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973) đảm nhiệm.
Tiềm lực của Trung Nam
Trên thị trường, cái tên Trung Nam gây chú ý với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM. Tuy nhiên, ngoài dự án này, Trung Nam còn là chủ đầu tư một loạt dự án lớn như Khu đô thị sinh thái Golden Hills - Đà Nẵng, dự án Công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley, dự án cầu Bạch Đằng (Hải Phòng - Quảng Ninh)...
Đáng chú ý nhất trong số các dự án bất động sản của Trungnam Group phải kể tới dự án Golden Hills tọa lạc tại Phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (Golden Hills City).
Dự án này do một công ty thành viên của Trungnam Group là Công ty cổ phần Trung Nam (Trungnam Land) làm chủ đầu tư, rộng 350 ha, được khởi công xây dựng từ năm 2011 và có tổng mức đầu tư lên tới 1,67 tỷ USD (tương đương 38.000 tỷ đồng). Điểm đặc biệt là Trungnam Land thậm chí có “tuổi đời” lâu hơn cả doanh nghiệp lõi của Tập đoàn Trung Nam, khi được thành lập từ cuối năm 2001.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ. Để hồi sinh, giữa năm 2017, Trungnam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).
Trungnam Land còn là chủ đầu tư của dự án Công trình văn phòng và Trung tâm thương mại DITP tại đường Nguyễn Tất Thành nối dài – Khu vực tiếp giáp về phía Tây Bắc đường Nguyễn Lương Bằng đến cầu Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Cũng tại Đà Nẵng, Trungnam Group còn là chủ đầu tư Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) có quy mô 341 ha. Chủ đầu tư tham vọng xây dựng dự án này theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế.
"Tay chơi" khét tiếng trên thị trường năng lượng
Hơn một năm gần đây, Tập đoàn Trung Nam được nhắc đến nhiều hơn với những toan tính tham vọng trong mảng năng lượng.
"Năng lượng chính là trụ cột vững mạnh nhất trong hoạt động đầu tư của Trungnam Group", tập đoàn này tự giới thiệu.
Trung Nam tham gia lĩnh vực năng lượng từ khá sớm trong phân khúc thủy điện, tuy nhiên, điện mặt trời mới là cuộc chơi chính của doanh nghiệp này.
Tập đoàn này sở hữu 118 MW thủy điện, gần 152 MW điện gió nhưng có tổng quy mô các dự án điện mặt trời lên tới gần 800 MW. Con số này càng được khẳng định nếu nhìn từ kết quả kinh doanh và động thái huy động vốn từ các công ty thành viên.
Nửa cuối 2019 và trong 9 tháng đầu năm nay, một số công ty thành viên của Trungnam Group đã tìm đến kênh huy động vốn qua trái phiếu với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Công ty cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) huy động hơn 4.500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong nửa cuối năm 2019. Nửa đầu năm nay, nhóm Trung Nam tiếp tục huy động tiếp 5.300 tỷ đồng.
Và dĩ nhiên, không phải không có lý do cho "cuộc chơi" lớn của Trung Nam. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời chỉ trong thời gian ngắn đã thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận nhờ dòng tiền ổn định.
Năm 2019, Trung Nam Solar Power của Tập đoàn Trung Nam vận hành nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP cũng đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Trung Nam Trà Vinh sở hữu nhà máy công suất 165 MWP doanh thu 275 tỷ đồng, lãi 94 tỷ.