Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đang dịch chuyển khỏi Hà Nội và TP HCM và tìm đến những thị trường bất động sản mới nổi ở những địa phương bắt đầu có sự phát triển mạnh về kinh tế, đặc biệt là ở những nơi có thế mạnh về công nghiệp và du lịch.
Nguyên nhân là do ở hai thành phố lớn nhất nước, sản phẩm biệt thự và nhà liền kề ngày càng khan hiếm.
"Riêng đối với sản phẩm nhà ở chung cư tại Hà Nội, nếu đầu tư sinh lời chắc chắn sẽ thất bại bởi giá chung cư đã đạt đỉnh. Hiện nay, người mua chủ yếu có nhu cầu ở thực. Còn nếu đầu tư, mua để lướt sóng thì không thể có lãi", ông Đính nói.
Tại TP HCM trong hai năm trở lại đây hầu như không có dự án chung cư mới trong khi giá đang tăng khá mạnh, bình quân khoảng 5 - 7%, thậm chí có khu vực trên 10%/năm. "Thị trường đang có bong bóng, giá quá cao không phù hợp nhu cầu. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến các nhà đầu tư phải tìm đến những thị trường mới, có tiềm năng tăng giá để đầu tư", ông Đính cho biết thêm.
Ngoài những khu vực đã phát triển mạnh về bất động sản du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, thị trường mới của ngành du lịch có thể kể đến như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Bình Định.
Những thị trường mới này có lợi thế đó là địa phương có chính sách cởi mở, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến phát triển công nghiệp, hạ tầng, kinh tế du lịch. Đặc biệt, giá đất còn đang ở ngưỡng thấp, chỉ dao động ở giá trên dưới 10 triệu đồng/m2.
Cụ thể, năm 2018, giá tại các dự án ở Quy Nhơn chỉ dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng đầu năm 2019 giá đã đẩy lên 15 – 17 triệu đồng/m2 và cuối 2019 là thời điểm nóng, có một số dự án đã tăng đến trên 20 triệu đồng/m2.
Tương tự, các địa phương như Thanh Hóa, Phú Yên... đều có hiện tượng tăng giá. Đây là điều các nhà đầu tư bất động sản rất quan tâm và mong muốn đầu tư, ông Đính nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn cũng cho rằng, dịch chuyển cũng là xu hướng chủ đạo của các nhà đầu tư bất động sản trong hai năm gần đây. Theo số liệu của batdongsan.com.vn, lượng tìm kiếm tại của nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây đã bắt đầu tăng lên rõ rệt. Đơn cử như tại Quy Nhơn, lượng tìm kiếm từ quý II/2020 so với quý I/2020 đã tăng 30%.
Điểm chung dễ nhận thấy tại các thị trường này là có sự xuất hiện của một số tập đoàn lớn, theo đó số lượng môi giới lớn đến theo, xác lập sân chơi mới.
Khi có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, di chuyển đi lại dễ dàng khiến lượng người quan tâm bất động sản ngày càng nhiều hơn, Quy Nhơn hay Quảng Ninh là ví dụ điển hình. Những số liệu cụ thể đã cho thấy một thực tế rõ ràng là các thị trường địa phương đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các nhà đầu tư.
Vai trò của giao thông và nhà đầu tư tiên phong
TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng nhấn mạnh đến hai yếu tố mang tính quyết định đến sức hấp dẫn của bất động sản ở những thị trường mới nổi là là giao thông và sự dẫn dắt của các dự án, chủ đầu tư lớn.
Theo ông Lịch, không phải tìm đâu xa, chính tại FLC Quy Nhơn nhiều năm trước chỉ có cát, các nhà đầu tư xin đất để đó không ai làm, chỉ đến khi FLC đặt chân về đây mới thấy được sự quyết tâm để thay đổi diện mạo vùng đất này.
Và với chỉ một dự án đã làm thay đổi hoàn toàn nơi đây, mở ra nhiều cơ hội không chỉ cho du lịch mà còn cả thị trường bất động sản. Nếu không có dự án FLC thì chưa chắc các nhà đầu tư đã về Bình Định. Do đó, rất cần những nhà đầu tư như FLC đầu tư tại Bình Định và rồi mở ra những thị trường cho nhà đầu tư thứ cấp.
"Ông bà xưa đã có câu “thóc đến đâu, bồ câu đến đó”. Chính dự án này đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư. Điều đó cho thấy, thị trường mới sẽ không thể "nổi" được nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong, ông Lịch nhận định.
Yếu tố thứ hai được vị chuyên gia này nhấn mạnh là giao thông. "Nếu không có giao thông, thị trường bất động sản sẽ không thể phát triển", ông Lịch nhận xét.
Tại Bình Định, chỉ trong vòng bốn năm, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng, như: Tuyến QL19 mới đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (dài gần 18km), tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu Công nghiệp Becamex Bình Định (hơn 14,3km), tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài từ Cảng Hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội (18,5km), tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Đề Gi (hơn 21,5km)... Đến nay, tuyến QL 19 mới và tuyến đường phía Tây đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC cũng cho rằng, để quyết định đầu tư vào địa phương thì yếu tố giao thông rất quan trọng. Giao thông tốt chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư.
"10 năm trước, khi không có nhà đầu tư nào đến đây làm du lịch, nhưng tôi vẫn quyết định về Bình Định và đặc biệt là Quy Nhơn vì hệ thống giao thông, kết nối giữa địa điểm mà FLC lựa chọn đặt dự án đến các khu vực xung quanh đều đã hoàn thiện", ông Quyết chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, chỉ ra ba yếu tố tiên quyết cho sự thành công của một thị trường bất động sản mới nổi. Thứ nhất, chính là sự kết nối, không chỉ hạ tầng mà là kết nối của IT. Thứ hai là sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Thứ ba là vai trò của nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là những nhà đầu tư tiên phong, định hướng được thị trường, dẫn dắt thị trường.
Câu chuyện của Bình Dương, Quảng Ninh của 10 năm trước là minh chứng rõ nhất cho điều này. Còn Bình Định đang đi sau và giai đoạn này đang trở thành điểm sáng nổi bật. Đây sẽ là một trong những tỉnh cất cánh mạnh nhất trong thời gian tới.
Link bài gốc