Sự đánh giá cao của các tổ chức uy tín mang tầm quốc tế chứng tỏ sự lớn mạnh của PVTrans. PVTrans là đơn vị vận tải biển duy nhất trong PVN, sở hữu đội tàu vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh khởi sắc
PVN cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, PVTrans đã trở thành một trong số ít các doanh nghiệp (DN) thuộc PVN có sự tăng trưởng liên tục trong suốt 6 năm qua, cũng là 1 trong 3 DN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ cao nhất của PVN.
Năm 2018, PVTrans đạt con số kỷ lục về doanh thu với hơn 7.835 tỷ đồng (đạt 149% kế hoạch; tăng 23% so với năm 2017). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của PVTrans ước đạt 4.170,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 480,1 tỷ đồng, tương đương 196% kế hoạch 6 tháng và 96% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của PVN, tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ và ổn định của PVTrans trong 6 tháng đầu năm 2019 là nhờ sự đóng góp của các tàu mới. Trong năm 2019, PVTrans đưa vào khai thác 3 tàu chở LPG mới, 1 tàu chở dầu sản phẩm mới trong quý I/2019, 1 tàu chở dầu thô từ quý II/2019.
Các tàu FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng, FPSO Lewek Emas tại mỏ Chim Sáo và FPSO Song Doc Pride MV 19 đều được vận hành ổn định. Nửa đầu năm 2019, Công ty PVTrans Pacific - DN thành viên của PVTrans đã tiếp nhận tàu dầu thô APOLLO, trọng tải 105,465 tấn, chiều dài 237,71m, chiều rộng 42m. Tính đến thời điểm tiếp nhận, đây là tàu vận tải dầu thô cỡ Aframax lớn nhất từ trước đến nay được sở hữu bởi chủ tàu Việt Nam.
PVN cho biết, thời gian tới, Công ty Mẹ PVTrans dự kiến đầu tư 1 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất khoảng 10.000-20.000 DWT; 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000-80.000 DWT (dự án chuyển tiếp từ năm 2018). Ngoài ra, một số dự án đầu tư tại các DN thành viên có thể kể đến như: Công ty PVTrans Pacific sẽ đầu tư 1 tàu vận chuyển dầu thô cỡ VLCC phục vụ vận chuyển dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, 1 tàu vận chuyển dầu thô cỡ Aframax (trọng tải 80.000-120.000 DWT); Công ty Nhật Việt Trans sẽ đầu tư 1 tàu vận tải khí hóa lỏng LPG có sức chở khoảng 3.000 CBM và 1 tàu/sà lan chở than trọng tải khoảng 10.000-15.000 DWT.
Ngoài ra, Công ty Gas Shipping đầu tư 1 tàu VLGC (tàu chở khí loại siêu lớn) có sức chở đến 85.000 CBM và 1 tàu vận tải LPG có sức chở khoảng 5.000 CBM. Công ty Phương Đông Việt đầu tư 3 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất trọng tải khoảng 10.000-20.000 DWT, trong đó có 1 tàu chuyển tiếp và 2 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất loại 20.000 DWT. Công ty PVTrans Vũng Tàu đầu tư 1 tàu chở hàng rời loại Handysize (trọng tải từ 15.000-35.000 DWT).
6 tháng cuối năm 2019, PVTrans đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.835,3 tỷ đồng, tổng doanh thu cả năm đạt 7.005,6 tỷ đồng, vượt 27,4% kế hoạch năm. Dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng cuối năm là 255 tỷ đồng, cả năm đạt 735,1 tỷ đồng, vượt 47% kế hoạch.
Dự báo tăng trưởng cao
PVTrans được đánh giá là DN vận tải hàng lỏng hàng đầu tại Việt Nam, nội lực mạnh với đội tàu quy mô, hiện đại, tình hình tài chính minh bạch, bền vững, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng ổn định. Vì vậy, cổ phiếu của đơn vị này được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhiều công ty chứng khoán có những nhận định, dự báo tích cực về PVTrans.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, năm 2019, kết quả kinh doanh của PVTrans sẽ tăng trưởng tích cực nhờ đóng góp từ hoạt động vận tải than, mở rộng quy mô khi tham gia vào vận tải than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3… Sản lượng vận tải sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn 2019-2022 với các dự án Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1.
Trong khi đó, hoạt động cho thuê kho nổi Đại Hùng Queen sẽ giữ ổn định trong năm 2019 khi giá dầu duy trì trên 55 USD/thùng. PSI dự báo doanh thu cả năm 2019 của PVTrans có thể tăng 10-15%, đạt 8.405 tỉ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 933 tỷ đồng và 747 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì cho rằng, tỉ suất thu nhập trên cổ phần (EPS) cốt lõi của PVTrans sẽ tăng trưởng kép hằng năm 10,4% trong 5 năm nhờ đóng góp của Nghi Sơn từ năm 2020 trở đi và các hợp đồng vận chuyển than/LPG mới.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) thì đánh giá, với các giả định vận chuyển dầu thô và sản phẩm cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng lần lượt 2,34 triệu tấn và 1,87 triệu tấn; giá cước vận chuyển quốc tế tăng 10%; biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ 14,5% nhờ đầu tư đội tàu mới nên giảm bớt chi phí thuê ngoài, dự báo năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVTrans đạt lần lượt 8.158 tỷ đồng và 793.5 tỷ đồng.