CJ Group được thành lập từ năm 1953, khởi đầu là một bộ phận của Tập đoàn Samsung trước khi tách ra vào năm 1993. Chỉ 5 năm sau khi trở thành một đế chế kinh doanh độc lập, tập đoàn này đã hiện diện tại Việt Nam.
CJ kinh doanh gì tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, CJ khởi đầu với lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là thức ăn chăn nuôi. Tập đoàn này thành lập Công ty TNHH CJ Vina Agri (CJ Agri) năm 1998 và một năm sau đó khởi công xây dựng nhà máy Thức ăn Chăn nuôi Gia súc và Thủy sản tại Long An.
Năm 2006, CJ Agri khởi công nhà máy thứ hai tại Hưng Yên và bành trướng đến một loạt tỉnh thành như Vĩnh Long, Đồng Nai, Hà Nam, Bình Định. Tại thị trường nước ngoài, CJ Agri đã xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Campuchia năm 2015.
Tham vọng hoàn thiện chuỗi cung ứng theo mô hình 3F (farm-food-feed), tập đoàn này còn phát triển thêm hệ thống trang trại chăn nuôi và chế biến. CJ Vina Agri có hơn 600 trang trại nuôi heo khắp cả nước. Gần đây, tập đoàn này cũng vừa ra mắt chuỗi bán lẻ thịt sạch với thương hiệu Meat Master.
Tháng 3/2015, CJ không giấu tham vọng chạy đua cùng Tập đoàn Masan để thâu tóm cổ phần của công ty Vissan nhằm đầu tư sâu hơn vào ngành chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín.
Trong thương vụ Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) tổ chức phiên bán đấu giá hơn 11 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư chiến lược tại Tổng Công ty Thương Mại Sài Gòn (Satra) vào tháng 3/2016, Công ty CJ CheilJedang (thành viên của CJ) cũng tham gia gom vào 3,8% vốn.
Tiếp theo đó, CJ CheilJedang tiếp tục mua lại 64.9% vốn Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt – doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ đông lạnh chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam về sản phẩm dạng viên (bò viên, cá viên).
"Thế lực" CJ cũng đã thâu tóm thành công 71% vốn của Công ty cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre (CauTre) và đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre vào đầu tháng 6/2017.
Trong mảng mua sắm tại gia và dịch vụ hậu cần (logistics) của CJ có SCJ TV Home Shopping là kênh mua sắm tại gia đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có chương trình bán hàng qua TV hay CJ Korea Express cung cấp các loại dịch vụ hậu cần khác nhau…
Mảng dược phẩm và công nghệ sinh học của CJ tại Việt Nam với sự góp mặt của CJ Healthcare phụ trách phân phối các sản phẩm dược phẩm của CJ cũng như các sản phẩm kháng sinh và Epokine; CJ Bio Việt Nam phân phối các sản phẩm acid amin thiết yếu như: Lysine, Threonine, Tryptophan, Methionine và bột ngọt…
Sự hiện diện của CJ trong lĩnh vực truyền thông giải trí phải kể đến việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (80% vốn) trong liên doanh Công ty cổ phần truyền thông Megastar vào năm 2011. Sau đó cụm rạp này được đổi tên thành CGV và là một trong những cụm rạp chiếu phim lớn và phát triển nhanh ở Việt Nam hiện nay.
Song hành với mảng chiếu phim, CJ E&M được thành lập chịu trách nhiệm trao đổi và quảng bá văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam, sản xuất và phân phối một loạt các phim ảnh và phim truyền hình ăn khách. Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, từ đầu năm tới nay đã có tổng cộng 9 cụm rạp CGV ở 7 tỉnh thành đóng cửa, hàng loạt các bộ phim bị hủy lịch công chiếu khiến doanh thu của CGV bị ảnh hưởng đáng kể.
Mảng logistics của CJ cũng chịu tác động không nhỏ khi CJ Logistics đã phải chuyển nhượng gần 51% vốn tại hai công ty con của Gemadept là Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding và Công ty TNHH Gemadept Logistics Holding. Công ty cổ phần Gemadept (Mã CK: GMD) là một trong những công ty đang dẫn đầu mảng kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay.
Nhà phát hành phim cũng đầu tư bất động sản
Bên cạnh các thương vụ đình đám trong mảng thực phẩm này, CJ còn lấn sâu hơn vào mảng bất động sản khi liên tục thâu tóm và hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước.
Tập đoàn này tham gia lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam từ năm 2013 khi mua lại 85% vốn Gemadept Tower và đổi tên đơn vị sở hữu tòa nhà thành Công ty TNHH CJ Việt Nam. Tháng 10/2017, thông qua thành viên là CJ O Shopping, CJ Việt Nam đã gom nốt 15% vốn còn lại của Gemadept Tower.
Khi CJ bước chân vào Cầu Tre, ngoài việc gia tăng vị thế của mảng thực phẩm, tập đoàn này còn nhắm đến miếng đất không nhỏ mà doanh nghiệp này sở hữu. Tham vọng lấn sân của CJ dần sáng tỏ hơn khi Hội đồng quản trị Cầu Tre thông qua chủ trương đầu tư quy hoạch chuyển đổi công năng khu đất 125/208 Lương Thế Vinh, Quận Tân Phú và chủ trương đầu tư dự án 35 Lương Minh Nguyệt.
Sau đó, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã thông qua phương án hợp tác với CJ Cầu Tre để thành lập Công ty TNHH Thương Tín - CJ Cầu Tre với vốn điều lệ 700 tỷ đồng (SCR sở hữu 74%, CJ Cầu Tre nắm 26% vốn) nhằm thực hiện đầu tư dự án đối với khu đất trụ sở chính của CJ Cầu Tre.
Dù vậy, ba năm sau cái bắt tay giữa SCR và Cầu Tre, những kỳ vọng ban đầu dần trở thành sự thất vọng khi thông tin về dự án này mỗi năm lại thay đổi.
Đến năm 2018, thông tin được công bố trong báo cáo thường niên của SCR về dự án này lại cho biết TTC Land nắm 100% thay vì liên doanh với CJ Cầu Tre như thỏa thuận đã ký cuối năm 2017.
Tính đến cuối năm 2019, CJ Việt Nam - công ty phụ trách mảng bất động sản của CJ có tổng tài sản hơn 1.170 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào bất động sản đầu tư với nguyên giá ghi nhận hơn 935 tỷ và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (275 tỷ đồng). Đối ứng bên phần nguồn vốn chủ yếu là vốn góp của cổ đông, với giá trị hơn 936 tỷ đổng.
Kết quả kinh doanh duy trì tương đối ổn định với doanh thu năm 2018 và 2019 đạt lần lượt 129 tỷ và 132 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế quanh ngưỡng 55-65 tỷ đồng mỗi năm.