KQKD nửa đầu năm phản ánh khó khăn của nền kinh tế, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường suy giảm 17%. Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh hoặc thua lỗ so với cùng kỳ. Dù nền kinh tế vẫn chưa phục hồi rõ rệt mà mới manh nha có những tín hiệu tích cực đầu tiên, song nhiều kỳ vọng cho rằng KQKD quý 3/2023 sẽ dần đi lên từ đáy.
Vậy nhóm ngành nào dự báo có khả năng hồi phục tích tốt trong mùa báo cáo quý 3 sắp tới? Cơ hội và rủi ro nào cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Đưa ra dự báo về một số nhóm ngành duy trì kết quả kinh doanh tích cực và là điểm sáng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh trong thời gian tới, ông Ngô Công Bình - Trưởng nhóm Phân tích cơ bản và chiến lược thị trường Chứng khoán Vietinbank (CTS) cho rằng bất động sản và chứng khoán sẽ là hai nhóm ngành được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất giảm.
Với bất động sản, các chính sách từ Chính phủ tập trung gỡ rối về pháp lý và nguồn vốn có thể sẽ dần “ngấm” vào KQKD của doanh nghiệp. KQKD của nhóm chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi từ việc thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao và diễn biến tích cực của thị trường trong giai đoạn kể từ cuối quý 2 sẽ mảng tự doanh, cho vay margin của các công ty chứng khoán cũng được cải thiện.
Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dầu khí cũng được chuyên gia CTS dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ đà tăng mạnh của giá dầu từ mức 72 USD/thùng lên 94 USD/thùng. Ngoài ra, giá cho thuê giàn khoan cũng như cho thuê tàu đang ở mức cao giúp các công ty thu được lợi nhuận tốt. Các hợp đồng điện gió, cung cấp thiết bị được ký kết, cũng như các gói thầu liên quan đến dự án Lô B – Ô Môn cũng có thể tác động tích cực đến KQKD của doanh nghiệp trong nhóm này.
Ngoài ra, nhóm ngành hóa chất cũng rất hứa hẹn do giá hóa chất, phân bón tăng mạnh trong thời gian vừa qua, đi kèm với việc Trung Quốc cắt giảm nguồn cung ra ngoài thị trường.
"Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng giá, dòng tiền sẽ tiếp tục xoay vòng quanh các nhóm cổ phiếu có câu chuyện, những nhóm cổ phiếu kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý 3 cải thiện nêu trên và chưa tăng giá quá mạnh sẽ thu hút dòng tiền tốt trong thời gian tới", chuyên gia CTS nhận định.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng trong bối cảnh vĩ mô thế giới dần cải thiện, đơn hàng xuất khẩu phục hồi từ quý 3/2023 có thể giúp các nhóm ngành xuất khẩu như Xơ - sợi, Thuỷ sản có thể phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu sụt giảm.
Nhìn nhận trên một góc độ khác, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC nhận định KQKD quý 3 khó có sự tăng trưởng vượt bậc do bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều ẩn số. Dù vậy, nhóm ngành năng lượng, hàng hóa và tiện tích , hàng tiêu dùng thiết yếu là những nhóm cổ phiếu tốt nhất trong thời gian gần đây.
“Cổ phiếu hàng hóa, năng lượng hưởng lợi nhờ xu hướng chung của giá hàng hóa, còn các nhóm tiện tích, hàng tiêu dùng thiết yếu là lựa chọn ở vùng đỉnh và thời điểm thị trường giằng co. Đây cũng có thể là những gợi ý để chọn ngành và cổ phiếu”, chuyên gia DSC đánh giá.
Nhận định chung về thị trường, ông Huy nhìn nhận các yếu tố nước nước ngoài có lẽ đã giảm áp lực nhưng chưa thuận lợi đến giữa năm sau, đến khi FED hạ lãi suất. Sức chịu đựng của nền kinh tế toàn cầu sẽ được kiểm định trong thời gian này.
Do đó, động lực chủ yếu vẫn là môi trường nới lỏng trong nước và đà phục hồi dần của nền kinh tế sẽ quyết định trực tiếp đến xu hướng thị trường. Kèm với đó, những câu chuyện kỳ vọng từ KRX hay nâng hạng thị trường cũng sẽ là lực kéo quan trọng ở một số thời điểm nhất định.
Xét về mặt định giá, P/E hay P/B hay định giá thị trường nhìn bình diện chung sẽ không rẻ, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Do đó việc phân hóa sẽ diễn ra, sẽ có cổ phiếu tiếp tục tăng nhưng sẽ có cổ phiếu điều chỉnh khi định giá đã vượt quá kỳ vọng.