Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở những đòi hỏi cấp thiết của việc triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và những văn bản chỉ đạo khác có liên quan, đồng thời nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác giải quyết nuôi con nuôi.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phan Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi cho biết, dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 05 nhóm vấn đề chính: Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân đảm bảo ứng dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các TTHC về nuôi con nuôi trên môi trường mạng; Quy định được sửa đổi, bổ sung để thực hiện phương án phân cấp trong giải quyết TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất giữa quy định pháp luật về nuôi con nuôi với quy định pháp luật có liên quan; Quy định được bổ sung để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến xây dựng và triển khai công tác hỗ trợ giải quyết việc nuôi con nuôi và công tác xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi; Nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực hiện công tác giải quyết nuôi con nuôi theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP và Nghị định 24/2019/NĐ-CP và đánh giá cao dự thảo Nghị định.
Đồng thời tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: chú trọng chuyển đổi các hình thức chăm sóc thay thế sang nuôi con nuôi và tăng cường việc giải quyết vấn đề nuôi con nuôi trực tuyến; việc sửa đổi, bổ sung các quy định không làm phát sinh thêm TTHC và tăng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; UBND cấp xã, Sở Tư pháp đề nghị người làm công tác xã hội, công chức văn hoá - xã hội cấp xã hỗ trợ thực hiện đánh giá điều kiện của người nhận con nuôi trong nước, điều kiện của trẻ em được nhận làm con nuôi, tư vấn, lấy ý kiến đồng ý của những người liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi; cân nhắc việc quy định người nhận con nuôi không phải cung cấp văn bản xác nhân tình trạng hôn nhân…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của Vụ Nuôi con nuôi cũng như các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc xây dựng Nghị định. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục rà soát, đảm bảo các quy định dự thảo Nghị định bám sát yêu cầu tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, đơn giản hóa tối đa các thủ tục, kể cả các thủ tục nội bộ giữa các cơ quan để tạo thuận lợi cho nhân dân, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý, nuôi con nuôi là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi đối với các quy định cắt giảm thành phần hồ sơ như giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, phiếu lý lịch tư pháp…, đồng thời phải quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc xác minh các thông tin của người nhận con nuôi nhằm bảo vệ trẻ em được nhận nuôi. Thứ trưởng cho rằng Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần phải rà soát, đánh giá kỹ tính khả thi của các quy định về giao cá thể hóa hỗ trợ thực hiện đánh giá điều kiện của người nhận con nuôi trong nước; thông báo tìm người nhận trẻ em làm con nuôi... Ngoài ra, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp tục rà soát để phát hiện, xử lý các quy định còn bất cập, rườm rà để sửa ngay tại Nghị định này.
Một số hình ảnh tại cuộc họp: