Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước đạt gần 193 triệu USD, tăng 58,75% so cùng kỳ 2019. Trong đó, cấp mới 27 dự án với vốn đầu tư đăng ký gần 162 triệu USD, tăng 55,97% và 22 dự án với vốn điều chỉnh tăng hơn 31 triệu USD, tăng 74,85%.
Mở rộng quỹ đất “sạch”
Trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa khả quan, thì sự gia tăng đột biến vốn đầu tư trong nước là tín hiệu vui của TP HCM. Điều đáng lo ngại là hiện quỹ đất dành cho nhà đầu tư trên địa bàn thành phố đã bắt đầu khan hiếm.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và có nhu cầu đầu tư nhưng quỹ đất khu công nghệ cao dành cho doanh nghiệp lớn không còn. Chỉ còn quỹ đất nhỏ đủ để thu hút mô hình trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Ban đã có báo cáo lên UBND thành phố về việc đề nghị các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) “chia lửa” với khu công nghệ cao, góp phần gia tăng hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Cùng đó, việc tăng rà soát và chấm dứt dự án đầu tư không hiệu quả hoặc chậm triển khai đúng tiến độ là rất cần thiết, tạo cơ hội cho những dự án đầu tư hiệu quả hơn. TP HCM vừa chấm dứt hoạt động 35 dự án. Trong đó, có 11 dự án FDI và 24 dự án trong nước.
Đây cũng được xem là động thái tích cực của thành phố, nhằm tạo điều kiện cho làn sóng thu hút đầu tư mới hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường mở rộng Khu chế xuất - Khu Công nghiệp, đa dạng hóa diện tích đất cho thuê, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp.
Sẵn sàng hạ tầng và các chính sách hỗ trợ
Theo ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP HCM (Hepza), bên cạnh dòng đầu tư nội đang gia tăng, làn sóng đầu tư ngoại sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó cùng với việc rà soát tiến độ triển khai dự án đầu tư nói chung, thành phố đề nghị các KCX-KCN gấp rút đầu tư xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
Hiện đang có 3/17 Khu chế xuất - Khu Công nghiệp có kế hoạch xây dựng nhà xưởng, nhà kho cao tầng. Cụ thể, KCX Tân Thuận xây dựng nhà xưởng cao 3 tầng, tổng diện tích sàn 18.156m2; dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 9.
KCN Bình Chiểu xây dựng 2 nhà xưởng cao tầng với hơn 181m2; trong đó, có hơn 5.000m2 có thể tiếp nhận doanh nghiệp vào đầu năm sau. Nhà xưởng còn lại sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay. Riêng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đề xuất dự án Trung tâm logistics (kho lạnh, kho mát, kho thường) có diện tích đất là 59.573m2 và sẽ đưa vào sử dụng năm 2022.
Cùng với đó, Hepza đã làm việc với các công ty phát triển hạ tầng Khu chế xuất - Khu Công nghiệp đưa ra những giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư. Trong đó, đặc biệt là giảm tiền thuê nhà xưởng với mức giảm trung bình từ 10% - 30%, thời gian giảm từ 2-3 tháng. Tính đến nay đã có 77 đơn vị được hỗ trợ với tổng số tiền giảm 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được giảm tiền thuê mặt bằng cho thuê kinh doanh dịch vụ, giảm tiền phí xử lý nước thải, giãn thời gian nộp phí duy tu tái tạo cơ sở hạ tầng... Hiện Hepza đã khảo sát, thống kê và chuyển các thông tin doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đến các ngân hàng thương mại để được hỗ trợ kịp thời.
Về phía doanh nghiệp cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp khắc phục khó khăn, như chủ động tìm kiếm khách hàng mới, tìm nhà cung cấp mới, tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ trong nước và các nước ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên hiện vẫn có một số doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng nên phải tạm thời cho người lao động nghỉ việc đến khi nhận được đơn hàng mới.
Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, lãnh đạo TP HCM cấp bách triển khai một số giải pháp hỗ trợ, nhằm sớm khôi phục ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc nâng thời gian giãn nộp các loại thuế lên 10 tháng hoặc 1 năm thay cho chỉ có 5 tháng như hiện nay. Với nhà đầu tư nước ngoài, kiến nghị thành phố rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về đất đai. Đồng thời tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài, lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết, sở đã cùng 12 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước hỗ trợ 17.215 khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi Covid-19, với tổng số tiền 87.638 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 14.632 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất là 11.386 tỷ đồng và cho vay mới với lãi suất thấp là 61.620 tỷ đồng.
Link bài gốc