Sự việc 39 người thiệt mạng được tìm thấy trong container tại nước Anh là một câu chuyện hết sức đau lòng về tình trạng nhập cư bất hợp pháp và số phận mong manh của những người dân nhập cư. Điều bất ngờ và đau buồn hơn nữa là trong số đó có người Việt Nam, thậm chí có thể sẽ có nhiều người Việt Nam. Vấn đề này cơ quan chức năng của nước Anh sẽ điều tra làm rõ và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cho dù vấn đề pháp lý được giải quyết như thế nào thì những đau đớn, mất mát đối với gia đình các nạn nhân là những vấn đề đã xảy ra và không gì có thể bù đắp được.
Vượt biên quá hai lần sẽ chịu trách nhiệm hình sự có thể đến 3 năm tù
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính của các nạn nhân, nguyên nhân các nạn nhân thiệt mạng. Đồng thời làm rõ hành trình, mục đích ra nước ngoài của những người này và trách nhiệm của những người có liên quan. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy những nạn nhân trong vụ việc này là những người ra nước ngoài một cách tự nguyện để tìm việc làm hoặc nhập cư vào các quốc gia Châu Âu nhưng không tuân thủ và thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật thì đây là hoạt động nhập cư bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới quy định hành vi nhập cư bất hợp pháp của cá nhân người nước ngoài là tội phạm, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý hình sự bị phạt tiền hoặc phạt tù. Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam, trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 hành vi vượt biên trái phép, ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, những hành vi này hiện nay đã được phi hình sự hóa, không còn là tội phạm. Bộ luật hình sự năm 2015 còn tội vượt biên trái phép, tội trốn ở lại nước ngoài trái phép. Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, trái phép sẽ bị xử phạt hành chính, nếu đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 347 Bộ luật hình sự với mức xử phạt có thể đến 3 năm tù.
Theo luật sư Cường, việc đi nước ngoài, trở về Việt Nam thì phải thực hiện theo thủ tục xuất nhập cảnh, có sự quản lý của nhà nước nhằm quản lý dân cư, đảm bảo an ninh quốc gia.
Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép của công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch sẽ bị xử phạt hành chính nếu như vi phạm lần đầu, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Với hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đây là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 349 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội danh và hình phạt được quy định như sau.
Theo điều 349, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép: Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; đối với từ 5 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Cường phân tích, vụ việc này xảy ra ở nước ngoài (Vương quốc Anh) nên sẽ do cơ quan điều tra của nước đó xử lý. Trong trường hợp có hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước Anh thì sẽ thực hiện theo nội dung hiệp định tư pháp đó. Trong trường hợp xác định đối tượng đã thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép là người Việt Nam thì có thể xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép có phải bị phạt đến 15 năm tù
Theo vị luật sư này, việc công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài trái phép thông thường sẽ có sự tiếp tay, môi giới của các đối tượng là người Việt Nam. Bởi vậy, trong trường hợp này gia đình các nạn nhân cũng cần trình báo sự việc cho cơ quan công an để xác minh làm rõ nhóm đối tượng nào đã thực hiện hành vi môi giới, tổ chức cho những công dân Việt Nam vượt biên sang nước ngoài trái phép.
Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định đối tượng đã tổ chức, môi giới cho người khác đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì cơ quan an ninh điều tra công an Việt Nam có thể phối hợp với Cảnh sát của nước Anh để xem xét xử lý những người vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước sở tại.
Nhiều gia đình ở Hà Tĩnh vẫn đang nín thở chờ tin con.
Nếu bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam tại điều 349 Bộ luật hình sự thì các đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép có phải bị phạt đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 349 bộ luật hình sự (nếu hậu quả là làm chết người, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc đối với 11 người trở lên). Ngoài ra đối tượng thực hiện hành vi phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại, bị phạt tiền đến 50 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Thông qua vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, qua đó cho thấy những khó khăn đối với thanh niên vùng nông thôn, các vùng quê trong việc tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống. Vấn đề xuất khẩu lao động, đưa người Việt Nam ra nước ngoài kết hôn là một hiện thực đáng buồn và thể hiện những khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động ở trong nước.
Trong đó, tình trạng người lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động hoặc kết hôn những năm gần đây là rất lớn. Đây không phải là vấn đề đáng mừng mà thực sự là vấn đề đáng lo ngại và buồn. Bên cạnh những trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp thì còn nhiều trường hợp trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép làm ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư, an ninh quốc gia cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra việc xuất cảnh trái phép, trốn ở lại nước ngoài trái phép cũng đẩy công dân Việt Nam vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, trở thành tội phạm ở nước sở tại, không được pháp luật bảo vệ và rất dễ bị bóc lột, cướp bóc, xâm hại, có thể bị bỏ mạng ở nước ngoài bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, sự việc này là một tiếng chuông cảnh tỉnh cảnh tỉnh cho những lao động người Việt Nam khi thực hiện giấc mơ “đổi đời”. Cần cẩn trọng để tránh bị các nhóm đối tượng môi giới lừa đảo đưa ra nước ngoài trái phép. Việc xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh phải tuân thủ quy định pháp luật, phải có sự bảo vệ, can thiệp của các cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam theo các chương trình hợp tác lao động mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia khác, không nên vì khó khăn mà bất chấp pháp luật để trốn đi nước ngoài trái phép.
Trong đó, cần nêu cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với hoạt động du lịch, xuất nhập cảnh để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Đồng thời cần xử lý nghiêm minh các đối tượng môi giới, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài theo quy định pháp luật.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy những nạn nhân trong vụ việc này là nạn nhân của hoạt động mua bán người thì những đối tượng mua bán người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những đối tượng thực hiện hành vi mua bán người sẽ bị xử lý hình sự theo điều 150 Bộ Luật Hình sự./.