Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hiện Pegatron (Đài Loan, Trung Quốc) là một trong 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, đối tác của Microsoft, Apple hay Sony... đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết doanh nghiệp này dự kiến đầu tư 1 tỷ USD cho tổ hợp công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, gồm 3 dự án.
Pegatron Việt Nam 1 được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp chứng nhận đầu tư vào 17/3 với tổng vốn đầu tư là 19 triệu USD. Pegatron Việt Nam 2 đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư, dự kiến có tổng vốn đầu tư 481 triệu USD. Và Pegatron Việt Nam 3 có tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2027.
Bên cạnh đó, Petragon bày tỏ ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc sang Việt Nam vào thời điểm phù hợp. Dự kiến, trung tâm sẽ chuyển vào khoảng năm 2026 - 2027, cùng thời điểm thực hiện dự án Petragon Việt Nam 3.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết Pegatron hiện đang nộp hồ sơ đến Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề xuất thực hiện dự án Pegatron 2 ở Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Cát Hải để sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử và bảng mạch. Tổng vốn đầu tư của dự án là 11.111 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ tạo ra khoảng 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo và Apple.
Về dự án của Pegatron, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với chủ đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 2), vận động Universal Global Technology, thành viên Tập đoàn Công nghệ ASE Holding (Đài Loan-Trung Quốc), đầu tư dự án sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony.
Tổng vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 của dự án là 200 triệu USD và sẽ tăng lên 400 triệu USD sau 3 năm hoạt động.