"Thật sự tôi và các cộng sự khá bất ngờ khi nhìn thấy sự tăng trưởng của công ty trong thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh", Đặng Thùy Trang, 29 tuổi, Nhà sáng lập Ru9 nói và cho biết, riêng trong tháng 4/2020 - giai đoạn cao điểm dịch, doanh thu tăng 250%-290%. Mới đây, khi tổng kết sơ bộ tình hình cả năm qua, doanh thu công ty tăng tới 300% so với 2019.
Lý giải về mức tăng trưởng này, Trang rút được 3 nguyên nhân. Thứ nhất, mùa dịch là lúc mọi người ở nhà nhiều hơn, dành nhiều thời gian trong không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi. Từ đó, họ dần nhận ra những điểm không thoải mái, còn thiếu sót trong không gian này mà trước đây họ thường bỏ qua. Thứ hai, đại dịch khiến mọi người chú ý đến sức khỏe hơn. Vì vậy, các sản phẩm có ảnh hưởng đến giấc ngủ như nệm, gối...cũng được quan tâm.
Và thứ ba, tăng trưởng đến từ mô hình "online bước ra offline" và chiến lược tiếp thị khác biệt (cho nằm thử 100 ngày miễn phí) mà Trang đã theo đuổi trong gần 3 năm qua, từ ngày cô quyết định từ bỏ công việc lương cao để khởi nghiệp.
Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Nga nhưng Trang học chuyên ngành Marketing và Tài chính của Đại học Melbourne (Australia). Năm 2014, cô về làm việc tại TP HCM. Đến năm 2017, Trang bị chệch đĩa đệm sau một lần tham gia giải chạy từ thiện.
Từ đó, cô gặp khó khăn khi ngủ. Trang đi khắp các showroom để tìm một chiếc nệm phù hợp, nhưng loay hoay mãi sau đó mới chốt được một chiếc nệm lò xo giá 11 triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng không phải là lựa chọn hoàn toàn ưng ý của cô.
"Thời điểm đó, tôi nhận ra các loại nệm phổ biến tại Việt Nam đều thiếu đi sự nâng đỡ, đặc biệt là khi cột sống của mình đang khá nhạy cảm sau chấn thương. Tôi đến các cửa hàng truyền thống nhưng các tấm nệm được xếp san sát, hoặc chồng lên nhau, rất khó để nằm thử, hay thậm chí là ngồi thử", cô nói.
Do đó, Trang bắt tay tìm hiểu về sản xuất nệm foam - một loại nệm mà cô ưng ý khi từng dùng ở Australia và đề ra chiến lược kinh doanh, tiếp thị riêng. Trang và cộng sự kết nối được một kỹ sư hóa học người Anh chuyên về foam để phát triển công thức và đặt một đối tác ở TP HCM gia công.
Sau 9 tháng làm sản phẩm, tháng 3/2018, cô bắt đầu rao bán trực tuyến với chính sách nằm thử 100 đêm. Nếu khách hàng không hài lòng có thể mang trả và hoàn lại toàn bộ số tiền trong 7 ngày, miễn phí cả vận chuyển.
"Vài chục phút ngồi thử, nằm thử trên nệm không giải quyết được câu chuyện trải nghiệm. Bởi khi đó nó không giúp bạn hiểu được chiếc nệm này có phù hợp, có ngủ ngon cả đêm, thậm chí là gần 10 năm nữa hay không", Trang nói và khẳng định startup của mình là "công ty về giấc ngủ đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chính sách này cho các khách hàng mua nệm", dù nó không mới ở phương Tây.
Hai lần bị từ chối đầu tư
Thời điểm nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp cũng là lúc Trang được một công ty tại Singapore mời về làm. Do đó, cô bị bố mẹ phản đối khi muốn từ bỏ cơ hội công việc mới để đi bán nệm online.
Ý tưởng về Ru9 được cho là khó thành công nên gia đình từ chối đầu tư. Không sang Singapore nhưng Trang cũng không dám nghỉ việc hiện tại ở Việt Nam mà tiến hành song song. Cô đặt ra cho mình thời gian 2 năm để thành công.
Lúc ấy, thị trường nệm ở Việt Nam vốn có rất nhiều "ông lớn" mà người tiêu dùng đã nhớ mặt thuộc tên, với những dòng quen thuộc như nệm cao su, bông ép, cao su non. Trong khi ở thời điểm bắt đầu, Trang chỉ có một dòng sản phẩm duy nhất.
"Vậy liệu người tiêu dùng có mua nệm foam - một sản phẩm mới toanh, khi chưa biết đây là loại gì? Liệu họ có mua nệm foam giá hơn chục triệu từ một công ty mới tinh, chưa có tên tuổi, lại còn bán hàng online hay không?", Trang nói đó là những câu hỏi trăn trở rất nhiều vào những ngày đầu khởi nghiệp. Khi ấy, động lực để vượt qua là phản hồi của khách hàng và một đội ngũ dù ít, nhưng trẻ và nhiều năng lượng.
Những ngày đầu, công ty Trang chỉ có một nhân viên. Cả hai thay nhau phát tờ rơi ở các khu chung cư, những dự án sắp giao nhà hoặc trực điện thoại, Facebook. Mỗi chiếc nệm khi đó giá trung bình 10 triệu đồng. Sau 2 tháng, cô bán được 50 chiếc.
Tháng 5/2018, Trang tìm cơ hội ở Shark Tank Việt Nam nhưng bị các "cá mập" từ chối. "Thành thật mà nói, thời điểm đó công ty còn quá nhỏ từ quy mô, sản phẩm đến doanh thu. Hơn nữa, nệm foam lại là dòng sản phẩm rất mới tại thị trường Việt Nam", Trang nói và cho biết lúc ấy mình không quá thất vọng vì vẫn học hỏi được các lời khuyên từ cá mập để phát triển công ty.
Bước đầu "hái quả ngọt"
Startup của Trang dần phát triển lên 7 thành viên và trong vòng một năm đã có 20 người. Đến năm ngoái, Ru9 bước ra từ không gian mạng và sở hữu 4 showroom trải nghiệm trực tiếp tại Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Đà Nẵng.
Ý tưởng cho ngủ thử 100 ngày của Trang được nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhân rộng. Tuy nhiên, cô cho rằng, dù không còn độc quyền "đặc sản" này nhưng thị trường ngách về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe giấc ngủ vẫn còn tiềm năng và nhiều điểm để khai thác, cải tiến.
Nói về kế hoạch cho năm 2021, Trang cho biết sẽ ra mắt thêm các sản phẩm phục vụ cho giấc ngủ để thương hiệu của cô trở thành nơi mọi người tìm đến khi muốn xây dựng một không gian phòng ngủ trọn vẹn. "Tôi cũng đang chuẩn bị cho việc mở rộng quy mô công ty, tuyển thêm nhân viên và gia tăng lượng showroom cũng như hoạt động offline" Trang nói.
Sau gần 3 năm lăn lộn làm startup, Trang đúc kết, ý tưởng hay là phần quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công. "Quan trọng nhất là bạn phải đủ tỉnh táo để tìm ra mô hình kinh doanh hợp lý, phải đủ quyết tâm để tìm cho bằng được câu trả lời, giải pháp cần có để nuôi lớn dự định của mình", cô chia sẻ.
Ngoài ra, theo Trang, nghỉ việc để khởi nghiệp là phải chấp nhận rằng mình khá "cô độc". Hầu hết thời gian, cô là người đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với những gì mình làm. "Tiền bạc cũng vậy, làm được đồng nào phải đổ ngược vào công ty đồng đó để nó phát triển không ngừng. Đây là một nếp sống rất khác so với việc bạn đi làm trước đây - bạn có đồng nghiệp, có nhịp sống, giờ làm việc ổn định, được trả tiền hàng tháng", cô nói.
Suốt 2 năm đầu khởi nghiệp, Trang cho biết mình không dám chi tiêu thoải mái, làm gì cũng phải tính toán, tự nấu ăn trưa mang đi làm, dọn về ở cùng với mẹ thay vì ở riêng. Cô duy trì làm 2 công việc suốt gần 1 năm, "tuy mệt nhưng mình vẫn phải cố gắng".
Theo cô, bất kỳ ai đang muốn đi theo 'mô-típ' bỏ việc để khởi nghiệp nên chuẩn bị tinh thần và tài chính thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Vì cuộc sống sau khi nghỉ việc và toàn tâm toàn ý cho doanh nghiệp của mình thật ra khác với mường tượng rất nhiều. "Các bạn đừng nên nghỉ việc ngay, rất dễ bị sốc và hụt hẫng", cô nói.
Link bài gốc