Ngày pháp luật

Doanh nhân xoay xở vượt khó trong thời dịch

Quang Huy - Phương Minh / PLO

Dịch COVID-19 khiến ngành nhựa, cao su… vừa thiếu nguyên liệu vừa khó xuất khẩu.

Trung Quốc (TQ) là thị trường nhập khẩu lớn sản phẩm nhựa, cao su và nông sản của Việt Nam (VN). Đây cũng là thị trường mà nhiều doanh nghiệp Việt nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang khiến các doanh nghiệp lo lắng sẽ không còn nguyên liệu sản xuất, không có hợp đồng xuất khẩu, nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động.

“Ngồi trên đống lửa”

Đại diện Công ty Nhựa Trọng Khang nhìn nhận ngành nhựa đang ngấm đòn từ dịch COVID-19 khi vừa thiếu nguyên liệu, vừa tắc xuất khẩu. Lý do, TQ lâu nay nhập nhiều hạt nhựa nguyên liệu và các sản phẩm từ nhựa như bàn ghế, đồ gia dụng. Trong khi đó, VN nhập nhựa phế liệu nhiều từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… đem về tái chế ra hạt nhựa nguyên liệu rồi xuất khẩu sang TQ.

Doanh nhân xoay xở vượt khó trong thời dịch - Ảnh 1
Các doanh nghiệp ngành nhựa đang tìm kiếm nguồn cung phụ liệu, hóa chất từ các thị trường khác để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: PM

Việc xuất khẩu hạt nhựa và các sản phẩm từ nhựa đã bị ảnh hưởng từ năm 2019 khi VN hạn chế nhập khẩu phế liệu khiến doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu. “Nay thêm dịch COVID-19 khiến hoạt động xuất nhập khẩu của VN với thị trường TQ càng khó khăn. Toàn ngành nhựa đang có chiều hướng đi xuống, bản thân công ty tôi phải ngừng sản xuất hạt nhựa” - đại diện Công ty Nhựa Trọng Khang chia sẻ.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn, cũng cho biết vật tư, máy móc ngành nhựa nhập từ TQ được các đơn vị sử dụng nhiều. Nay do dịch bệnh nên các chuyên gia TQ không thể sang VN được, vì thế hoạt động của các công ty nhựa VN gặp nhiều trở ngại. Đơn cử dây chuyền máy móc không thể vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… được.

“Riêng với thị trường xuất khẩu, mình phải đi tới đi lui, gặp khách hàng ở nước ngoài để đàm phán, giao dịch. Song thời điểm này dịch diễn biến phức tạp, khách hàng ngưng giao dịch lại, các đơn hàng xuất khẩu vì thế cũng đình lại. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi sụt giảm mạnh 30%-40%” - ông Việt Anh lo lắng.

Ngành gỗ cũng chung số phận. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (VIFOREST), dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến xuất khẩu sang TQ và các luồng cung xuất khẩu khác của VN đi các nước. Nguyên nhân do các đơn vị sản xuất giấy, bột giấy tại TQ phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, gây ra tình trạng chậm chễ trong việc xuất khẩu dăm gỗ của nước ta sang thị trường này.

“Lượng nguyên liệu đã nhập trước đó có thể giúp các công ty đủ sử dụng trong vòng 1-2 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa được khống chế, các đơn vị nhập khẩu từ VN cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất” - VIFOREST cảnh báo.

Cái khó ló cái khôn

Không cam chịu ngồi chờ nhà máy đóng cửa khiến hàng ngàn công nhân mất việc, nhiều chủ doanh nghiệp đã tìm đủ mọi cách để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu và tìm kiếm khách hàng mới. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn, cho biết công ty đang tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa và ổn định đơn hàng chứ không còn cách nào khác. Song song đó, công ty tập trung vào các đối tác nước ngoài có thể làm việc qua online.

“Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chúng tôi tìm nguồn cung cấp xa như Ấn Độ, Nga dù giá hơi đắt nhưng phải chấp nhận. Đặc biệt, các doanh nghiệp tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn như cho nhau mượn qua mượn lại các thiết bị, máy móc thậm chí san sẻ hợp đồng xuất khẩu. Lúc này các công ty trong ngành nhựa đang hỗ trợ giúp đỡ nhau như anh em trong một nhà vậy” - ông Việt Anh chia sẻ.

Hiện dây chuyền máy móc tại nhà máy làm hạt nhựa tái chế của Công ty Nhựa Trọng Khang đã phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn, lãnh đạo công ty này đã đưa ra kế hoạch kinh doanh mới: Chuyển đổi từ ngành sản xuất nhựa tái chế sang làm tấm nhựa PVC dùng trong ngành xây dựng.

“Chuyển qua sản phẩm mới phục vụ ngành xây dựng giúp công ty duy trì sản xuất, nuôi sống công nhân và có thêm nhiều khách hàng mới” - đại diện công ty thông tin.

Dịch COVID-9 khiến cá tra xuất sang thị trường TQ giảm mạnh 50% trong hai tháng đầu năm nay do gián đoạn và ách tắc trong khâu vận chuyển và kho bãi. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep), cho rằng vẫn còn những cơ hội để doanh nghiệp cá tra nói riêng cũng như ngành thủy sản khai thác khi các kênh phân phối online vẫn sôi động. Ngoài ra, doanh nghiệp đang chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ.

“Chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của VN đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra VN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác” - ông Hòe tự tin.

Nguyên liệu nhiều nước chỉ đắt hơn Trung Quốc 3%

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, nhìn nhận ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng là động lực để các đơn vị sản xuất gỗ ván ép trong nước tự sản xuất sản phẩm chất lượng, thay thế nguồn ván gỗ từ TQ. 

Ngoài ván, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang tìm kiếm nguồn cung phụ liệu, hóa chất từ các thị trường khác như Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Thực tế, nguồn phụ liệu này chỉ đắt hơn so với nguồn từ TQ khoảng 3%, song do gần và thói quen nên lâu nay các doanh nghiệp VN nhập nguồn từ TQ.

“Hiệp hội đang vận động một số doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành gỗ thay vì xuất khẩu có thể bán cho các doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, khuyến khích họ mở rộng dây chuyền sản xuất, tăng công suất phục vụ cho chuỗi cung ứng gỗ, giảm dần phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường TQ. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp gỗ tìm nguồn cung ứng mới” - ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng thông tin hiệp hội khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ trước tình hình mới. Chẳng hạn, chuyển đổi từ nguồn cung cấp sản xuất nguyên vật liệu phụ thuộc vào TQ sang các thị trường khác; tìm các giải pháp sáng tạo trong kinh doanh, khuyến khích sự hợp tác hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp và kêu gọi sự đồng hành của ngân hàng trong giai đoạn khó khăn này.

Tin Cùng Chuyên Mục