Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland (1958 – Mậu Tuất)
Ông Bùi Thành Nhơn là một đại gia tiếng tăm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đặc biệt là thị trường phía Nam. Tuy nhiên, ông Nhơn lại bắt đầu bước vào thương trường trong ngành thú y. Năm 1992, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn để kinh doanh thuốc thú y và các loại dược liệu, hóa chất. Năm 2006-2007, ông mới bắt đầu chuyển sang lĩnh vực bất động sản và thành công với thương hiệu Novaland.
Đến nay, Địa ốc Nova đã trở thành một trong những công ty có uy tín trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản, tổng số vốn điều lệ gần 9.400 tỷ đồng. Novaland niêm yết trên sàn chứng khoánvào cuối năm 2016 và ông Bùi Thành Nhơn (sở hữu 145,7 triệu cổ phiếu) khi đó đã lọt vào danh sách tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Năm 2018 vừa qua, Novaland đã đạt được sự tăng trưởng khá tích cực trong kết quả kinh doanh. Theo số liệu 9 tháng 2018, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 6.773 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.412 tỷ đồng, tăng tương ứng 18% và 5% so với cùng kỳ. Trên sàn chứng khoán, do ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường trong năm 2018, cổ phiếu NVL đã ghi nhận sự suy giảm mạnh. Nhưng nếu so với mức đầu năm, giá của NVL vẫn đạt được sự tăng trưởng tích cực hơn so với chỉ số VN-Index.
Tuy nhiên, đầu tháng 1/2019 (tháng 12 Âm Lịch 2018), ông Bùi Thành Nhơn và Novaland bất ngờ “gặp hạn” khi 7 dự án lớn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thành của công ty đã bị TPHCM tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để kiểm tra pháp lý. Thông tin này đã khiến cổ phiếu NVL giảm kịch sàn trong phiên giao dịch 8/1, vốn hóa công ty bốc hơi 4000 tỷ đồng và tài sản của ông Nhơn cũng giảm đến 800 tỷ đồng chỉ trong một ngày.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: TGĐ VietJet Air (1970- Canh Tuất)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một nữ doanh nhân thành công và giàu có bậc nhất Việt Nam hiện nay. Bà Thảo đang là Tổng giám đốc của VietJet Air và Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàngHDBank.
Bà Thảo là nữ doanh nhân đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD của thế giới. Trong các năm 2017, 2018, CEO của Vietjet đều lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí danh tiếng này. Giữa tháng 12/2018, bà còn lọt top 50 Nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Tuy nhiên, bà Thảo và Vietjet Air đã trải qua một khoảng thời gian khá chật vật vào những tháng cuối năm.
Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu VJC dừng tại mức 115.200 đồng/cổ phiếu, sụt giảm 38,3% so với mức đỉnh năm 2018. Diễn biến này tệ hơn nhiều so với chỉ số VN-Index, với mức giảm 25% từ đỉnh.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC (1958 – Mậu Tuất)
Ông Lê Viết Hải từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và có thời gian làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP.HCM. Năm 1987, ông Hải thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Chỉ 3 năm sau, văn phòng này đã hoàn thành công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ, đó là khách sạn Riverside.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình
Sau đó, Hòa Bình đã liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center, Keangnam 72 tầng, Cocobay…Năm 2006, Địa ốc Hòa Bình chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HBC.
2018 cũng là một năm tuổi không mấy suôn sẻ với ông Lê Viết Hải và xây dựng Hòa Bình. Sau năm 2017 tỏa sáng với kết quả kinh doanh ấn tượng, HBC đã chứng kiến sự đi xuống mạnh trong năm 2018. Thị trường bất động sản, xây dựng được dự báo sẽ xuất hiện những khó khăn trong năm 2019.
Lợi nhuận các quý của HBC trong năm 2018 đều suy giảm mạnh so với 2017. Trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế HBC chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, khoản phải thu của doanh nghiệp này ngày phình to, lên tới cả nửa tỷ USD, chiếm 70% tổng tài sản. Nợ xấu của HBC vẫn ở mức ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Lê Viết Hải và Hòa Bình còn liên tiếp phải chịu những tin đồn liên quan đến Khaisilk hay Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC bắt đầu lao dốc từ cuối năm 2017 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính từ đầu năm đến nay, HBC đã mất khoảng 44% giá trị. Tài sản của ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HBC cũng sụt giảm hơn 400 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Minh Phú (1958 – Mậu Tuất)
Ông Lê Văn Quang xuất phát từ một kỹ sư nuôi tôm trong một doanh nghiệp nhà nước. Năm 1988, ông đã tự lập đại lý mua tôm rồi mở Xí nghiệp Chế biến Cung ứng hàng xuất khẩu Thuỷ hải sản Minh Phú vào năm 1992.
Từ việc thu mua, chế biến thuỷ hải sản cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh, cơ sở của ông Quang đã không ngừng mở rộng kinh doanh. Hiện tại, vốn điều lệ của Minh Phú đã ở mức hơn 1400 tỷ đồng và là tập đoàn thuỷ sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới. Doanh thu của MPC đều đặn đạt trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm kể từ 2013.
Chủ tịch Thủy sản Minh Phú - Lê Văn Quang
2018 vừa qua lại là một năm khá thành công với doanh nhân tuổi Tuất này. Cụ thể, bất chấp giá tôm giảm mạnh, doanh thu của Minh Phú trong năm 2018 vẫn ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1130 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kì năm 2017 (15.767 tỷ đồng doanh thu và 639 tỷ đồng lợi nhuận). Tập đoàn này dự kiến còn tăng mức lợi nhuận sau thuế lên gấp đôi vào năm 2019, đạt 2.300 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MPC cũng đã ghi nhận diễn biến rất tích cực. So với thời điểm đầu năm 2018, MPC đã tăng tới 32,4% giá trị, tốt hơn rất nhiều so với mức lao dốc mạnh của thị trường chung. Tài sản của vợ chồng ông Lê Văn Quang – Chu Thị Bình nhờ đó cũng tăng mạnh.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank (1970 – Canh Tuất)
Ông Hồ Hùng Anh là một doanh nhân từng có thời gian làm việc tại Đông Âu, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Đại học Bách Khoa Kiev Liên Bang Nga. Trước khi làm việc tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam năm 2004, ông Hồ Hùng Anh đã có kinh nghiệm quản trị, điều hành tại Công ty TNHH Quốc tế Sammex, Tập đoàn Ma San.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank
Hiện tại, ông là Chủ tịch HĐQT Techcombank với sở hữu gần 12 triệu cổ phiếu tương ứng 1,34% vốn điều lệ ngân hàng. Năm 2018 là một năm khá thành công trong công việc quản trị của ông tại Techcombank. Đầu tháng 6/2018, ngân hàng này đã chính thức niêm yết thành công trên sàn chứng khoán và trở thành một trong 10 doanh nghiệp có vốn hóa nhất cả ba sàn.
Kết quả tài chính của nhà băng này cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Techcombank hiện năm trong top đầu những ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam hiện nay. Do ảnh hưởng của thị trường chung, cổ phiếu TCB cũng đã sụt giảm khoàng 25% so với thời điểm bắt đầu niêm yết, tương đương mức giảm của VN-Index kể từ vùng đỉnh.