Ngày pháp luật

“Doanh nhân toàn cầu cần thông hiểu luật pháp”

Thu Hiền

“Việc lơ mơ luật pháp cùng thông lệ quốc tế chẳng những mất đi cơ hội đi ra thị trường 7 tỷ người thay vì 90 triệu dân mà có khi ngay nội địa còn không giữ được.” - doanh nhân Hà Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Senziny Việt Nam chia sẻ cùng DN & PL.

 
Điều kiện đủ của một doanh nhân toàn cầu là hiểu thông lệ và luật pháp quốc tế, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh và biết sử dụng công cụ online, luôn hiểu rõ luật pháp; Giữ tinh thần học hỏi để nắm bắt tốt các cơ hội phía trước nhằm góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới.

Động lực nào thúc đẩy anh mạo hiểm từ vị trí quản lý sang tự thành lập công ty? Kinh nghiệm 7 năm làm quản lý và cố vấn cho các thương hiệu như Viettel Mobile, Gạch thạch bàn, VNYP giúp ích gì cho anh trên con đường phát triển sự nghiệp riêng, thưa anh?

- Khi nhiều lần bạn nhìn thấy những cơ hội cần phải hành động ngay để mang lại lợi nhuận nhưng vì vai trò, quyền hạn không cho phép, bạn không thể quyết được và thuyết phục được cấp trên xong thì cơ hội đã qua rồi. Và trong lòng bạn luôn đau đáu đưa những kiến thức trải nghiệm thành hiện thực thì chắc hẳn bạn sẽ đồng cảm với quyết định của tôi.

Khi phát triển sự nghiệp riêng tôi mới thực sự thấy những trải nghiệm trước đây của mình vô cùng quý giá. Các tình huống tư vấn cho doanh nghiệp hay cách dùng người bằng cái Tâm, điều hành bằng năng lực cùng nhiệt huyết khi làm quản lý giúp tôi có những hiểu biết, nhân sự và đối tác đồng hành thực sự đáng quý. Các nhân sự sẵn sàng cống hiến, những đối tác sẵn sàng cộng tác và hỗ trợ không chỉ giúp tôi hoàn thiện mà còn giúp tôi vững tin hơn trên con đường phát triển tiếp theo của Senziny.

Ngoài vai trò điều hành Senziny, Hà Anh Tuấn còn được biết tới trên cương vị giảng viên doanh nhân. Anh có lo ngại làm nhiều việc cùng lúc sẽ dễ bị phân tâm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc không?

- Về lý thuyết mà nói thì làm một lúc nhiều việc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhau, tuy nhiên thực tế sự chọn lựa của tôi hai công việc này tuy hai mà là một, tuy một là hai.

Việc giảng dạy không chỉ giúp tôi sống có ích hơn mà còn được trải nghiệm nhiều hơn với các tình huống thực tế. Hàng năm tôi có trên 6.000 lượt học viên online, trong số các học viên này đa phần là người đi làm rồi, thậm chí có nhiều học viên là chủ doanh nghiệp từ rất lâu, doanh số hàng năm rất tốt, bởi vậy mà những câu hỏi họ đặt ra giúp chính đầu mình “mở” ra nhiều. Việc giảng offline rèn luyện cho tôi những kĩ năng như sự bản lĩnh, tự tin để phục vụ tốt hơn cho công việc. Mặt khác, nếu bạn mang lại giá trị nhiều hơn cho xã hội mà không chỉ tập trung cho doanh nghiệp của bạn thì rõ ràng đối tác và khách hàng sẽ tin tưởng bạn hơn.

“Doanh nhân toàn cầu cần thông hiểu luật pháp” - Ảnh 1

 Hà Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Senziny Việt Nam

Giữa thị trường cạnh tranh, ganh đua nhau gay gắt, đâu là “quân át chủ bài” để Senziny Việt Nam chiếm lợi thế và giữ vững chỗ đứng cho mình, thưa anh?

- Bao giờ cơ hội và thách thức luôn đi cùng nhau. Điều may mắn là phía sau chúng tôi là Senziny Global - một Tập đoàn tiên phong về các dòng sản phẩm “độc lạ đẹp” với thị trường trên toàn thế giới, bởi vậy việc của chúng tôi chỉ là đưa các dòng sản phẩm đã được chấp nhận tại các thị trường khó tính như châu Âu, hay Hàn Quốc, Thái Lan…về Việt Nam. Những sản phẩm đón đầu xu thế thị trường, là sản phẩm khoa học công nghệ cao, mang lại lợi ích lớn cho người dùng so với các sản phẩm thông thường.

Năm 2016, Việt Nam đạt kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng số doanh nghiệp phá sản cũng tăng đột biến. Theo anh, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nhiều mâu thuẫn này?

- Theo tôi, có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này đó là sự phát triển của kinh doanh online; Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp 2016 của Thủ tướng và độ trễ về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam. Với những doanh nghiệp có quyết định táo bạo, đổi mới sẽ trụ vững, ngược lại không theo kịp đà phát triển dễ dàng bị xóa sổ.

Với những Start-Up của các bạn trẻ khi các bạn còn quá non trên thương trường, quá yếu trong trải nghiệm, sắc hồng trong tư duy cùng một cái ví mỏng thì vô vàn thử thách phía trước các bạn. Thế nên để ít ngã, đi nhanh thì tốt nhất nên song hành với những người đi trước. Các bạn cần tìm đến những người có chuyên môn cao ở lĩnh vực mình thiếu, hoặc hay hơn nữa là tìm tới các chủ doanh nghiệp, những người thực sự thành công qua nhiều thất bại để nhờ tư vấn hoặc đỡ đầu, gạt bỏ cái “tôi sở hữu” để cùng làm miếng bánh lớn hơn, thay vì sở hữu cả cái bánh nhỏ thì mới có thể an toàn mà đi nhanh được.

“Doanh nhân toàn cầu cần thông hiểu luật pháp” - Ảnh 2

 “Điều kiện đủ” của một doanh nhân toàn cầu là hiểu thông lệ và luật pháp quốc tế

Ở Việt Nam, học luật là phải học hết một “rừng luật”, anh cho rằng doanh nhân cần biết luật gì là đủ? Bản thân anh tự trau dồi kiến thức về luật bằng những phương pháp nào?

- Doanh nhân Việt Nam đa phần đi lên theo kinh nghiệm và mô hình doanh nghiệp gia đình, thế nên việc nắm luật gì, ở đâu, thế nào là điều vô cùng khó khăn. Nhưng trong một thế giới phẳng khi khoảng cách giữa không biết và biết rõ chỉ là một cú click chuột, thế nên doanh nhân hoàn toàn có thể tự trau dồi kiến thức luật cho bản thân. Theo tôi trong quá trình cập nhật, doanh nhân Việt cần hiểu và áp dụng các luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ …

Bản thân tôi luôn phát huy tinh thần học hỏi, tự hỏi bản thân và xu hướng xã hội để hiểu thực sự mình đang thiếu gì, tôi có thể học ở mọi nơi, mọi người, mà lạ là tôi càng thích học. Nếu không may có vấn đề gì xảy ra thì luôn đón nhận với một thái độ tích cực, coi đó là cơ hội để nâng cao bản lĩnh, bình tĩnh tìm đến người giỏi ở lĩnh vực đó nhờ tư vấn để có những quyết định sáng suốt, phù hợp.

Muốn tham gia vào “sân chơi” quốc tế, điều đầu tiên cần phải biết “luật chơi”, nhưng đa số doanh nghiệp Việt vẫn còn đang “lơ mơ” về luật pháp quốc tế. Theo anh đâu là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong tình huống này?

- Có thể do đặc thù bận rộn nên đa phần chủ doanh nghiệp Việt Nam thường cứ làm và “đụng tới đâu thì đọc tới đó”. Thực trạng này là một vấn đề khá nguy hiểm cho các doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị sản xuất chỉ quen bán thị trường nội địa. Trong khi đó, hội nhập đưa doanh nghiệp các nước khác tìm đến Việt Nam bán hàng. Thậm chí có các doanh nghiệp nước ngoài cho nhân viên đi tiếp cận trực tiếp các đại lý không những ở thành phố lớn mà cả các thành phố nhỏ.  Đây thực sự là một mối nguy cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Việc lơ mơ luật pháp cùng thông lệ quốc tế chẳng những mất đi cơ hội đi ra thị trường 7 tỷ người thay vì 90 triệu dân mà có khi ngay nội địa còn không giữ được. Hơn nữa nếu không may xảy ra tranh chấp thì chúng ta luôn ở thế bị động, nếu ta mang ra Tòa án quốc tế kiện thì có khi cái mất còn nhiều hơn cái được. Nguy cơ thua ngay trên sân nhà hiển ra rõ hơn lúc nào hết. Rõ ràng bất lợi rất lớn nằm về phía doanh nghiệp của chúng ta.

“Điều kiện đủ” của một doanh nhân toàn cầu là hiểu thông lệ và luật pháp quốc tế, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh và biết sử dụng công cụ online, luôn hiểu rõ luật pháp; Giữ tinh thần học hỏi nhằm nắm bắt tốt các cơ hội phía trước để góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục