Chào anh, xin anh chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển cũng như định hướng chiến lược của Ecochic?
Nói về Ecochic, đây không phải “đứa con” đầu tiên của tôi nhưng lại là nơi kết tinh tất cả kiến thức, kinh nghiệm tôi đã tích luỹ được trong sự nghiệp của mình. Trước đây, tôi khởi sự kinh doanh với Tiệm hoa 1989 - công ty chuyên về hoa tươi, sự kiện và gặt hái được thành công nhất định. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến, toàn bộ ngành hoa và sự kiện bị “đóng băng”, khi ấy, tôi gần như rơi vào bế tắc. Cùng lúc đó, tôi chợt nhận ra một thị trường trước nay mình đã bỏ qua và có phần đánh giá thấp - thương mại điện tử. Sau khi thảo luận với một vài người đồng hành, tôi mới bừng tỉnh, đây chính là xu hướng và trước giờ mình vẫn ngược xu hướng. Từ đó, Ecochic ra đời.
Ngay từ đầu, thương hiệu đặt ra sứ mệnh là: Ecochic không bán quần áo mà là một thương hiệu bán thời trang, định hình phong cách. Chúng tôi cũng xác định tệp khách hàng rõ ràng ngay từ đầu, xây dựng lộ trình chi tiết. Cụ thể, khi mới ra mắt, Ecochic không chú trọng tới lợi nhuận mà tập trung vào chất lượng sản phẩm tốt nhất trong tầm giá và việc “phủ” tên tuổi thương hiệu trên thị trường để tăng cường lượng tiếp cận và xây dựng hình ảnh, hệ thống sản xuất, vận hành, chăm sóc hậu mãi chất lượng. Sau khi đã có chỗ đứng trong lòng khách hàng, bản thân thương hiệu sẽ tự tạo ra doanh số chứ không cần quảng cáo quá nhiều nữa.
Khẩu hiệu (Slogan) của Ecochic là “Feel good, look chic, be eco” - nghĩa là mang lại cảm giác thoải mái, phong cách thu hút và cuối cùng là thân thiện với môi trường. Mục tiêu hướng đến của chúng tôi là “sứ mệnh xanh”. Có thể ngay từ đầu chưa thể “eco” hoàn toàn nhưng lộ trình tiến tới xanh hoá toàn hệ thống đã được hoạch định rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chúng tôi áp dụng cho mọi sản phẩm là “Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ, thân cảm”. Đó là những trải nghiệm mà khách hàng có được khi sử dụng sản phẩm của Ecochic - Mắt thấy thiết kế, mẫu mã đẹp, giá hợp lý; Nghe nói đến nhiều trên các kênh mạng xã hội, khi mặc được người xung quanh khen; Lúc mở ra sản phẩm có hương thơm dễ chịu, chất vải sờ vào chất lượng; Khi mặc, thân cảm thoải mái. Các sản phẩm hiện nay của Ecochic chủ yếu là áo phông và các thiết kế thời trang hướng đến trải nghiệm thoải mái, phù hợp với mọi độ tuổi, giới tính.
Về truyền thông, khi ấy, tôi trăn trở với suy nghĩ rằng, khách hàng luôn ghét quảng cáo, bởi vậy phải làm sao để truyền thông nhưng không gây khó chịu với khách hàng. Tôi đã nghĩ tới việc kết hợp (collab) với các hoa hậu để đưa ra thông điệp “áo được hoa hậu lựa chọn”, từ đó, khách hàng sẽ tự tìm đến thương hiệu. Và chúng tôi đã có khởi đầu thành công ngoài mong đợi với Hoa hậu Thuỳ Tiên và sau đó là nhiều người nổi tiếng (KOLs) khác. Ecochic cũng là thương hiệu áo phông đầu tiên tại Việt Nam kết hợp với KOLs và chính họ cũng trở thành khách hàng thân thiết của chúng tôi.
Thành công vượt bậc trên các sàn thương mại điện tử, anh có thể chia sẻ “bí quyết” làm nên tên tuổi của thương hiệu?
Cũng giống như một vị tướng trước khi tham gia một trận đánh, cần nắm rõ địa hình, đối với các sàn thương mại điện tử cũng vậy, chúng tôi luôn chú trọng tìm hiểu kỹ càng về sàn thương mại đó trước khi gia nhập. Sàn đó có điểm gì nổi bật? hành vi người tiêu dùng tại thị trường đó là gì? Làm như thế nào để tăng lưu lượng (traffic) trên sàn? Traffic đến từ đâu? Tại sao có traffic? Và tôi tìm hiểu rất kỹ làm thể nào để sàn để ý đến mình, hỗ trợ cho mình? Cách nhanh nhất để họ quan tâm tới mình là gì? Chỉ khi giải đáp được những câu hỏi đó, thương hiệu mới sẵn sàng gia nhập kênh tiêu thụ mới.
Theo tôi, có 4 nguyên tắc cần phải làm tốt: Một là tuân thủ luật chơi; Hai là phát triển thật nhanh để được chú ý; Ba là làm thật bài bản để chứng minh sự chuyên nghiệp nhằm nhận được sự hỗ trợ; Bốn là hãy quan tâm người dùng, bởi khách hàng trung thành mới là người thực sự nuôi dưỡng mình. Ở Ecochic, chỉ số khách hàng quay lại mua lại sản phẩm trong vòng 1 tháng là 35%, đó là con số khá cao trong lĩnh vực này.
Ecochic là thương hiệu nhanh chóng vươn ra thị trường quốc tế, anh đã làm gì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại nhiều nền văn hoá khác nhau?
Theo tôi, đầu tiên vẫn phải là tìm hiểu, nếu bản thân mình không làm được thì có thể thuê bên thứ 3 để hiểu về văn hoá, hành vi, sở thích của khách hàng. Mỗi nước đều có sự đặc trưng. Ví dụ như 2 nước Ecochic sẽ xuất khẩu là Philippines và Thái Lan, họ rất tôn trọng tín ngưỡng. Người Thái Lan thì ưa thích màu sắc sặc sỡ nhưng các thương hiệu áo phông phổ biến tại đó hiện là Uniqlo và Muji với tông màu tương đối trung tính, cơ bản. Khi đó, tôi thấy họ đang thiếu đi sự trẻ trung, màu sắc mà đó lại là thứ Ecochic có. Bản thân các hoa hậu Thái Lan cũng rất yêu thích thiết kế của Ecochic.
Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ chinh phục thị trường Mỹ. Đây là một quốc gia rất khác, họ không cần giá thấp nhưng bảo hành phải lên tới 60 ngày, thậm chí khách hàng mặc đến khi không thích thì có thể trả. Do vậy, có thể thấy, mặc dù cùng một sản phẩm nhưng mình không thể áp dụng một “công thức” cho mọi quốc gia.
Xin cám ơn anh!