Hơn 15 năm trong ngành IOT
Chia sẻ về cơ duyên theo đuổi lĩnh vực IoT, doanh nhân Nguyễn Đức Quý chia sẻ: “Sau hơn 15 năm làm việc và cống hiến tại các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, với những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy, tôi luôn mong muốn tìm kiếm một định hướng mới, con đường mới để phát triển bản thân và tạo sự bứt phá khác biệt. Và tôi tình cờ có cuộc nói chuyện với anh Ngô Hùng Tín - Chủ tịch HĐQT của Vconnex bây giờ. Sau khi lắng nghe anh chia sẻ về sứ mệnh, tầm nhìn của Vconnex cũng như những mong muốn trong việc phát triển công nghệ Việt Nam, tôi nhận ra đây chính là khát khao của mình từ rất lâu và đó chính là bước khởi đầu, cái duyên để tôi quyết định đồng hành cùng Vconnex tới thời điểm hiện tại”.
Logo Công ty đầy đủ có tên Vconnex - Connect Things - Connect People, xuất phát từ việc Vconnex sử dụng nền tảng công nghệ IoT làm nền tảng công nghệ lõi của mình để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và giải pháp có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực, có khả năng kết nối với hàng tỷ thiết bị IoT và mục tiêu hướng đến con người.
“Để có thể tạo nên được một nền tảng và educate thị trường về nền tảng cần nguồn lực rất lớn. Do đó, chúng tôi cần phải tự “làm giàu” hệ sinh thái của mình lên, cụ thể là phát triển các ứng dụng ngành dọc dựa trên nền tảng của mình để Vconnex chứng minh về nền tảng công nghệ và mô hình kinh doanh, sau đó mới có thể định hướng được việc phát triển nền tảng bền vững và nhanh chóng….
Ở Vconnex, chúng tôi quan điểm không sợ sai và “muốn biết bơi phải nhảy xuống nước”, chỉ có không làm gì thì mới không sai. Lãnh đạo trao quyền cho các bộ phận được chủ động quyết định trong phạm vi công việc của mình và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Vconnex khuyến khích việc hành động và liên tục hành động đổi mới sáng tạo để tìm được cách làm đúng nhằm tăng hiệu quả cao nhất có thể, và cũng chấp nhận cả việc thất bại từ những quyết định đó” - nam doanh nhân chia sẻ thêm.
Câu chuyện phát triển công nghệ trong nước
Hiện nay, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, coi IoT là một trụ cột quan trọng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, kéo theo nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực. Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ rất yêu thích công nghệ và sẵn sàng đón nhận các sản phẩm, dịch vụ thông minh. Hạ tầng viễn thông cũng đang được đầu tư mạnh mẽ với sự phổ cập của Internet băng thông rộng và mạng di động 4G/5G, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các thiết bị IoT.
Theo chia sẻ từ doanh nhân Nguyễn Đức Quý, Vconnex sở hữu quy trình nghiên cứu phát triển và sản xuất được xây dựng chuyên nghiệp, trải qua nhiều khâu kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất với giá thành hợp lý nhất, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Vconnex luôn kiên định với mục tiêu mang đến những sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng của người Việt. Giải pháp nhà thông minh không chỉ là những công nghệ hiện đại thông minh mà cần phải xuất phát từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.
“Ví dụ, vào mùa Đông, khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, có thể ngay lập tức tận hưởng cảm giác thư giãn với nước nóng đã được tự động bật sẵn. Hay khi ngủ, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ điều hòa để đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Vconnex luôn chú trọng đến những chi tiết nhỏ như vậy, bởi chúng tôi hiểu rằng, việc giải quyết những vấn đề thực tế, dù là nhỏ nhất cũng chính là chìa khóa để chinh phục khách hàng” - vị lãnh đạo chia sẻ về tính ứng dụng sản phẩm của Vconnex.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tính tới thời điểm hiện tại, sản phẩm của Vconnex đã được hàng trăm nghìn khách hàng đón nhận cùng hệ thống kênh phân phối rộng khắp với hơn 300 đại lý chính hãng trên toàn quốc. Viconnex đã đạt được nhiều thành tựu như: Nền tảng nhà thông minh Việt xuất sắc nhất tại Tech Awards 2022 do Báo VNExpress tổ chức và bình chọn; Top 1 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 03 năm liên tiếp 2021, 2022, 2023 do Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp Sở Công Thương tổ chức bình chọn, cùng hàng loạt giải thưởng công nghệ như: Make in Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; Giải thưởng Sao Khuê, Smartcity nhiều năm liên tiếp…
Là một người có thâm niên trong ngành IoT, doanh nhân Nguyễn Đức Quý cho rằng, để phát triển công nghệ và sản xuất trong nước, trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này bao gồm việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực STEM, khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Thứ hai là việc cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ; Tăng cường quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái;
Các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp; Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia chuyển đổi số quốc gia. Và cuối cùng, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài.
“Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ và sản xuất trong nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hiện đại”.
(Doanh nhân Nguyễn Đức Quý)