Ngày pháp luật

Doanh nhân Hoàng Lịch Thiệp: Người có công phát triển và sáng tạo thú chơi sinh vật cảnh

Quang Anh

Doanh nhân - Nhà Sinh vật cảnh (SVC) Hoàng Lịch Thiệp được biết đến là người có đóng góp rất lớn cho phong trào và sự phát triển của SVC Việt Nam. Ông cũng đã phát triển thú chơi “Bát Kỳ Viên” với tinh hoa nghệ thuật, gửi gắm tình yêu quê hương đất nước đến với công chúng. Cuộc trò chuyện với vị doanh nhân mới đây với DN&PL cho thấy, ông đang tiếp tục sứ mệnh “truyền cảm hứng” đam mê SVC đến tất cả mọi người.

Đóng góp cho phong trào và sự phát triển của sinh vật cảnh

SVC là một trong những thú chơi mà ông vô cùng tâm huyết. Ông có thể chia sẻ về “mối duyên” đó?

Tôi đến với SVC một cách rất tình cờ. Năm 2019, sau một lần được người bạn rủ đi tham quan Festival Thanh Hoá, tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật. Thời điểm đó tôi chưa hiểu gì về cây thế, bonsai, nhưng khi ngắm từng tác phẩm, lại được nghe các bậc cao nhân chia sẻ, phân tích khiến tôi phấn khích vô cùng. Kể từ đó, tôi quyết định đầu tư các thiết bị quay phim, chụp hình và lập một kênh Youtube riêng để tiện lưu giữ lại những hình ảnh tuyệt vời nhất về những cây bonsai, cây thế và thú chơi SVC. 

Tôi có cơ hội đi rất nhiều để thăm các vườn, tìm hiểu kiến thức qua những nghệ nhân, chủ nhà vườn, các chuyên gia... Kiến thức về SVC thật sự mênh mông, đa dạng và phong phú. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, chụp hàng chục nghìn bức ảnh, quay hàng nghìn video, tham quan vài trăm vườn cây trên khắp cả nước, tham dự hầu hết các cuộc triển lãm, trưng bày tác phẩm nghệ thuật trên toàn quốc và trực tiếp tạo tác nhiều tác phẩm đẹp như Long Vân Quần Mộc, Long Đỉnh Tung Sơn, Trung Dung, Thái Sơn Ngũ Bảo, tôi đã tích lũy cho mình số vốn kiến thức nhất định trong lĩnh vực này.

Doanh nhân Hoàng Lịch Thiệp: Người có công phát triển và sáng tạo thú chơi sinh vật cảnh - Ảnh 1

Dấu mốc nào ông cho là đáng nhớ và tự hào nhất trong sự nghiệp của mình? Để trở thành một nhà SVC, những yếu tố như sự lao động kiên trì, cần mẫn và năng khiếu về nghệ thuật có phải những điểm mấu chốt không, thưa ông? 

Dấu ấn lớn nhất là khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên cả nước. Tôi không thể đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn, đó là lúc tôi nhận ra giá trị thực sự của SVC. Tôi bắt đầu dành rất nhiều thời gian để đọc các loại sách về cây cảnh, SVC và áp dụng thực hành tạo ra những tác phẩm. Càng làm, càng đi sâu vào nghiên cứu, tôi lại càng thấm thía và cảm nhận rõ nét về giá trị tuyệt vời mà SVC mang lại cho đời sống con người, đặc biệt là khi ta ở hoàn cảnh khó khăn nhất. Cộng với năng khiếu mỹ thuật được thừa hưởng từ người cha của mình và sự miệt mài, chăm chỉ, tôi đã thổi hồn cho rất nhiều tác phẩm. Còn nói về bí quyết dẫn tới thành công trong lĩnh vực này,  theo tôi niềm đam mê là quan trọng nhất sau đó mới nói đến sự kiên trì hay năng khiếu.

Ông có thể chia sẻ cho độc giả DN&PL được biết về những đóng góp của mình cho phong trào và sự phát triển của SVC Việt Nam?

Nói về sự đóng góp thì quả thực là chưa có gì to lớn, nhưng tôi tự hào khi đã thực hiện một số việc cho phong trào phát triển SVC Việt Nam. Thực tế, tôi đã xuất đăng được 3.000 video dài, hơn 2.000 video ngắn về cây cảnh và SVC. Năm 2022, tôi tổ chức thành công hành trình “Bonsai xuyên Việt” với sự tham gia hưởng ứng, tác động đến hàng trăm ngàn người trên cả nước, tổ chức được 12 buổi tọa đàm cùng các chuyên gia, phân tích, nghiên cứu về SVC. Tôi cũng được các chủ nhà vườn trao quyền đặt tên cho hàng trăm tác phẩm nghệ thuật, xây dựng trang Bách khoa toàn thư về SVC đầu tiên tại Việt Nam cũng như phát triển sàn thương mại SVC duy nhất tại Việt Nam, tổ chức sàn đấu giá, đồng thời phát triển hệ thống cà phê SVC - Tinh hoa Bát Kỳ Viên…

Sàn đấu giá các sản phẩm SVC là một hoạt động thật sự hiệu quả và rất tốt cho sự phát triển của phong trào. Chúng tôi vẫn duy trì đều đặn và đang dần trở thành món ăn tinh thần của những người đam mê trong giới. Sàn đấu giá giúp việc giao dịch mua bán các sản phẩm SVC nhanh gọn, hiệu quả, an toàn, tỷ lệ giao dịch thành công rất cao. Giải quyết căn cơ vấn đề thanh khoản trong thị trường SVC vốn “mua thì dễ, bán thì khó”.

Doanh nhân Hoàng Lịch Thiệp: Người có công phát triển và sáng tạo thú chơi sinh vật cảnh - Ảnh 2

Vai trò nhà sáng tạo Bách khoa toàn thư

“Kim Thư Trác Mộc” là một cuốn sách quý về SVC. Cuốn sách có ý nghĩa thế nào với bản thân ông và những người có thú chơi về SVC? 

Nói về cuốn “Kim Thư Trác Mộc”, trước tiên tôi xin giải thích rằng, Kim Thư Trác Mộc là một cuốn “sổ vàng” ghi chép quá trình tạo tác, chuyển giao và những câu chuyện mang tính lịch sử về tác phẩm để lưu và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau. Với mỗi một tác phẩm nghệ thuật, việc minh bạch hóa thông tin nguồn gốc lịch sử là điều rất đáng trân quý, người sở hữu sau biết rõ về người sở hữu trước, từ đó thể hiện sự tôn kính, biết ơn đúng với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. 

Để được phát hành “Kim Thư Trác Mộc”, mỗi một tác phẩm phải đáp ứng 5 tiêu chí: Thứ nhất, tác phẩm phải thuộc giống cây có nguồn gốc tại Việt Nam. Thứ hai, tác phẩm đã hoàn thiện trên 95%. Thứ ba là tác phẩm phải được đặt tên và không bị trùng tên với một tác phẩm khác trên hệ thống Bách khoa toàn thư. Tiếp nữa là đã từng mang đi triển lãm ít nhất 1 lần từ cấp huyện trở lên và cuối cùng, tác phẩm phải được cộng đồng trong giới SVC đánh giá là đẹp. 

Ông từng chia sẻ về việc xây dựng Bách khoa toàn thư về SVC giống như trang Wikipedia. Với vai trò là nhà sáng tạo bách khoa toàn thư, ông cảm nhận thế nào về trách nhiệm thực hiện công việc này? Ông và những người cộng sự đã tâm huyết cho dự án này ra sao và đã có thành quả là gì?

Tôi đã xây dựng một website lấy tên miền là nghethuatvabonsai.com, giống như tên kênh Youtube riêng của tôi, với giao diện hướng đến là một trang Bách khoa toàn thư SVC đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, tương đồng với trang Wikipedia. Nơi đây sẽ lưu trữ thông tin lịch sử, nguồn gốc, hình ảnh, video, câu chuyện của các tác phẩm nghệ thuật đầy đủ và khoa học nhất. Để triển khai dự án này, tôi đã dành 4 năm để nghiên cứu và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 01/08/2023. Đến nay, dự án lưu trữ và cập nhật thông tin gần 200 tác phẩm và dự kiến sẽ bổ sung thêm khoảng 500 tác phẩm trong năm 2025. Tôi nhận thức rằng đây là một trách nhiệm mang lịch sử, nó sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời này và nhiều thế hệ con cháu mai sau cùng thực hiện sứ mệnh cao quý ấy.

Doanh nhân Hoàng Lịch Thiệp: Người có công phát triển và sáng tạo thú chơi sinh vật cảnh - Ảnh 3

Xin cảm ơn ông!

 

“Tôi tự hào khi đã thực hiện một số việc cho phong trào phát triển SVC Việt Nam…”.

Tin Cùng Chuyên Mục