Ngày pháp luật

Doanh nhân cần tự học luật

Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group

Các khóa học CEO và cấp quản lý DN đã có môn Luật kinh doanh, nhưng chỉ vỏn vẹn vài giờ học.Trong khi có rất nhiều vấn đề pháp lý phải đối mặt hàng ngày. Những quyết định kinh doanh sẽ an toàn hơn, ít rủi ro hơn khi các "ông bà chủ" am hiểu về luật pháp và các quy định trong doanh nghiệp.

Với các doanh nhân trẻ, doanh nhân khởi nghiệp thì việc biết luật có thể làm giảm bớt đi các khoản chi phí pháp lý, trừ khi ngay tại thời điểm có điều kiện mời luật sư tư vấn.

Ở nước ta không nhiều người vừa làm doanh nhân vừa làm luật sư. Doanh nhân là người vô cùng bận rộn. Khó có thể tốn thời gian lâu như vậy để học thêm…bằng Luật! Đôi lúc chỉ trải qua khóa học ngắn hạn, hoặc có một trợ lý phụ trách công tác pháp lý với vài năm kinh nghiệm mà thôi. Chừng đó liệu rằng các ông chủ đã đủ tự tin khi ra quyết định giao dịch có liên quan đến vấn đề pháp lý hay chưa?

Luật là lĩnh vực có khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn khá xa. Việc học luật của những người bận rộn hoặc chỉ cần nắm chiến lược như lãnh đạo DN nên biết chọn đúng mắt xích cần học. Các doanh gia là những người có kinh nghiệm thực tiễn, việc tiếp thu kiến thức luật sẽ nhanh chóng hơn.

Tại sao nên biết thêm về luật?

Đành rằng, việc của doanh nhân là hoạch định chiến lược cốt sao chèo lái con thuyền doanh nghiệp đến bến bờ mà mình mong muốn. Còn việc đúng sai thế nào là trách nhiệm của các nhân sự phụ trách, có thể là luật sư nội bộ công ty hoặc luật sư riêng.

Tất nhiên khi có quân sư thì cũng phải tự biết tổng quan về luật lệ, “phép vua” để có những quyết định chung một cách đúng đắn.

Ấy là chưa kể việc tự học luật để nắm được sự vận hành của chính sách mà phản biện với thực tế áp dụng. Thậm chí là việc am hiểu luật cũng là cách để biết quân sư về luật của mình có tư vấn sai hay không, tư vấn có đầy đủ hay không… tránh chủ quan khi đưa ra các quyết định quan trọng.

Với các doanh nhân trẻ, doanh nhân khởi nghiệp thì việc biết luật còn giảm đi các khoản chi phí pháp lý, trừ khi ngay tại thời điểm có điều kiện mời luật sư tư vấn.

Doanh nhân cần tự học luật - Ảnh 1
Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group

Biết luật gì là đủ?

Người ta nói vui, ở Việt Nam, học luật phải học hết một “rừng luật” nhưng cũng phải biết về “luật rừng”. Có thể đó là cách ví von về luật và “lệ”. Doanh nhân vốn dĩ bận rộn, thời gian đâu mà dùi mài kinh sử luật lệ? Học luật, do vậy, chỉ cần chọn đúng phạm vi những gì cần học. Có thể học để bổ sung kiến thức cho các kênh kinh doanh và đầu tư chứ không học để phát triển lý luận.

Quan trọng là các doanh nhân cần nắm được nguyên tắc cơ bản - được làm những gì trong giới hạn pháp luật cho phép. Quyền và lợi ích của mình phải đặt trong mối quan hệ với các chủ thể khác. Tập trung vào các vấn đề về pháp lý trong kinh doanh, từ quản trị điều hành, thuế - tài chính, quản trị nhân sự, sở hữu trí tuệ, tiếp thị và bán hàng, M&A, đầu tư và hội nhập, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.

Thực hành làm sao?

Doanh nhân học luật không thể nào áp dụng phương pháp “tầm chương trích cú” như các bậc nho sĩ. Thay vào đó cần áp dụng kiến thức luật vào công việc quản trị điều hành hằng ngày, bởi có vấn đề nào trong kinh doanh nằm ngoài khuôn khổ luật định đâu - không trực tiếp thì gián tiếp có liên quan.

Thử bắt đầu học.Từ các công việc kinh doanh hằng ngày, CEO đặt ra vấn đề đúng và phân công quản lý phụ trách chuyên môn phải suy nghĩ để báo cáo. Ví dụ sáng nay đọc báo thấy mức đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn đang là 34,5%, mà con số này lại đánh vào lương trên hợp đồng lao động. Gọi quản lý nhân sự vào và hỏi rằng: “Tiền đóng bảo hiểm vậy chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu quỹ lương?” Vậy có cách nào không giảm quỹ lương mà vẫn tăng năng suất nhưng đảm bảo tuân thủ pháp luật?

Tư duy pháp lý và cách học luật bắt đầu bằng việc liên tục đặt ra các câu hỏi để tìm lời giải phù hợp nhất, hoàn hảo nhất. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp không phải là người làm hết mọi việc, vậy thì hãy đặt vấn đề đúng, chia sẻ các trăn trở của mình để cấp dưới tiếp tục suy nghĩ và thực hiện.

Đội ngũ am hiểu luật

Học luật không thể thiếu môi trường trao đổi, thảo luận. Doanh nhân cần tạo ra môi trường đó bằng cách xem “bạn học” là các nhân viên. Nếu bất kỳ một tài liệu nào được trình ký, doanh nhân phải có phản xạ như là “anh ký cái này có đúng luật không”, có … “bút sa gà chết” không? Cấp dưới phải xác định được việc họ làm, quyết định của họ thay mặt công ty có rủi ro nào không, cao hay thấp? Thay vì tự mình tìm hiểu vấn đề đó, doanh nhân đóng vai khách hàng, cơ quan Nhà nước hay đối tác để có góc nhìn đa chiều cho mỗi quyết định.

Chỉ khi nào vấn đề phức tạp hoặc cần ý kiến độc lập thì mới gọi luật sư.Mỗi nhân viên hãy là một chuyên gia luật trong mảng của họ.Ví dụ trưởng phòng xuất nhập khẩu phải là luật sư chuyên về xuất nhập khẩu. Trưởng phòng nhân sự là luật sư chuyên về lao động. Cách kiểm tra ư? Cứ mời một luật sư giỏi về kiểm tra độc lập và tư vấn riêng cho lãnh đạo doanh nghiệp về trình độ của họ.

Nên làm bạn với “thầy cãi”

Doanh nhân nên có ít nhất một người bạn là luật sư kinh tế. Có thể họ không phải là nhà tư vấn thường xuyên nhưng có thể là bạn bè thân hữu hay đối tác, khách hàng. Lúc chuyện trò, lúc chơi golf, có thể họ sẽ gợi ý vài vấn đề hữu ích cho công việc quản trị cấp cao cho bạn.

Điều quan trọng là biết chọn luật sư nào để có thể chơi. Vì cũng có người cho rằng các luật sư kinh tế giỏi thường cá tính, cái tôi lớn và sang chảnh.

Tin Cùng Chuyên Mục