Tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh về hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra ngày 22/4, một doanh nghiệp đến từ An Giang phản ánh về tình trạng bị toàn bộ tờ khai biến mất trên hệ thống hải quan.
Đại diện đơn vị này cho biết, từ trước ngày 24/3, gần 10.000 tấn gạo của doanh nghiệp đến từ An Giang cập cảng Mỹ Thới. Tờ khai hải quan của doanh nghiệp được thực hiện thành công chiều ngày 11/4. Tuy nhiên, đến ngày 14/4, khi đơn vị này chuẩn bị đưa hàng lên tàu thì toàn bộ tờ khai của doanh nghiệp biến mất trên hệ thống hải quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cam kết chuyển các lô hàng này vào hạn ngạch 100.000 tấn gạo vừa được tạm ứng. Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng khẳng định xử lý nhanh các lô hàng này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận trách nhiệm trước những bất cập phát sinh khi triển khai một quyết định chưa từng có trong nhiều năm qua, đó là áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo.
Hiện các doanh nghiệp của Cần Thơ đang tồn hơn 76.000 tấn gạo tại các cảng, trong đó hơn 46.000 tấn gạo đã mở tờ khai hải quan từ tháng 3. Các doanh nghiệp Đồng Tháp cũng đang tồn 12.701 tấn gạo tại cảng.
Cho biết mỗi ngày gạo nằm trên cảng là một ngày thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, đại diện các tỉnh đề nghị nhanh chóng giải quyết thông quan cho lượng gạo đang nằm tại các cảng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Tổng cục Hải quan thống nhất phương án giải quyết theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, rà soát báo cáo lượng gạo tồn kho tại cảng có xác nhận của doanh nghiệp, hải quan và cảng vụ.
Đối với hạn ngạch 100.000 tấn gạo vừa được tạm ứng, ông Khánh cho biết sẽ xử lý trên nguyên tắc thứ tự nhập cảng, ưu tiên những lô hàng đưa vào cảng trước ngày 24/3. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ rà soát toàn bộ tờ khai có biểu hiện khai khống giữ chỗ, nếu phát hiện sẽ thu hồi để bổ sung xử lý cho các lô hàng đang nằm tại cảng.
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh, thành cũng bày tỏ quan điểm về việc hạn chế xuất khẩu gạo. Theo đại diện tỉnh Long An, năng suất lúa vụ Đông Xuân ở Đông bằng sông Cửu Long được mùa. Lượng gạo không giảm, khả năng có thể xuất khẩu từ 5-6 triệu tấn và bảo đảm dự trữ 3 triệu tấn, đáng lẽ phải tăng cường xuất khẩu thì nay lại hạn chế là bất bình thường. Vị này cũng cho rằng, không nên áp dụng hạn ngạch.
Về việc có nên tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất gạo hay không, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo việc này.
Liên quan đến xuất khẩu gạo, trước đó, cuối tháng 3, hải quan dừng thông quan mặt hàng này, sau chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch. Đến ngày 11/4, Chính phủ cho phép nối lại xuất khẩu với hạn ngạch 400.000 tấn gạo trong tháng này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ánh về việc “có dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh” khi chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ từ 0h ngày 12/4, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu đã được lấp đầy. Không ít doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là vừa và nhỏ) cho rằng việc mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm, không thông báo trước là không minh bạch khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.
Ngày 21/4, Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ làm rõ nghi vấn trục lợi trong xuất khẩu gạo. Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ sự việc trên.