Ngày pháp luật

Doanh nghiệp xăng dầu tăng cường giao dịch trực tuyến

Nhật Thu

Kinh doanh bán lẻ xăng dầu thời gian qua giảm cực mạnh nhưng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại ghi nhận sự tăng trưởng gần 2 con số thông qua việc mua bán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó phần nào bù đắp việc hụt thu từ các các điểm giao dịch trực tiếp truyền thống.

Cây xăng phục vụ xe quân đội, công an…

Trong khi Chính phủ ra quyết sách “ở yên là yêu nước” thì đa phần các cửa hàng xăng dầu chủ yếu “cầm cự” phục vụ người dân theo danh mục các mặt hàng thiết yếu. Lượng khách lẻ giảm đến 90%.

Theo một cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), hiện cửa hàng này chỉ phục vụ các đơn vị trực chiến như quân đội, công an, các xe cấp cứu, còn khách vãng lai gần như rất ít, có ngày không có khách hàng nào vào mua xăng.

Doanh nghiệp xăng dầu tăng cường giao dịch trực tuyến - Ảnh 1
Mua xăng dầu không dùng tiền mặt đang tăng trưởng tại các cửa hàng của PV Oil

Đại diện một DN xăng dầu khẳng định, tất cả mọi ngành, mọi DN đều khó khăn, không chỉ riêng xăng dầu. Thậm chí, những thiệt hại mà ngành xăng dầu gặp phải không như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn nhưng lĩnh vực này nguy hơn vì thiệt hại kép bao gồm giảm trầm trọng doanh số do sản lượng không tiêu thụ được và lỗ tồn kho (do giá xăng dầu liên tục giảm giá, DN mua xăng dầu từ thời điểm trên 50 USD/thùng, hiện giá xăng dầu chỉ còn khoảng 20-30 USD/thùng), tuy nhiên “nghề kinh doanh thì phải chấp nhận chuyện đó”, vị đại diện DN này chia sẻ.

Trong khó khăn trên, cắt giảm được chi phí nào là DN thẳng tay cắt giảm, thậm chí, lương lãnh đạo chỉ còn 50%, lãnh đạo quản lý phòng ban thì giảm 25% lương dù việc cắt giảm này không đáng kể gì so với những thiệt hại mà DN đang gánh chịu nhưng đó là sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ trong lúc khó khăn.

Ngoài việc các DN đang tìm cách khắc phục, Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ DN vượt qua thời kỳ khó khăn như cho tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế, giãn thuế nhưng theo khảo sát của PLVN, đa phần DN đều chưa nhận được những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, trừ việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đã được thực hiện.

Do đó, nhiều lãnh đạo DN đề nghị, các chính sách của Nhà nước cần nhanh chóng được cụ thể hóa để những quyết sách hỗ trợ cấp bách đến sớm với các đối tượng cần được trợ giúp.

Thấy “cơ” trong “nguy”

Trao đổi với PLVN, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil thông tin, trong cả một “rừng” tin xấu thì PV Oil có tin vui là việc triển khai bán xăng dầu thanh toán không dùng tiền mặt (sử dụng QR code trên điện thoại thông minh) lại tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng 8% so với tháng 12/2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

“Đấy cũng là một lợi thế của chúng tôi vì trên toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu chưa có đơn vị nào sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Dương nói. Hiện, PV Oil đang sử dụng phương thức thanh toán này cho cả khách hàng cá nhân và DN, thanh toán qua ví Momo, Vietelpay… và rất nhiều ngân hàng đã có ứng dụng thanh toán trực tuyến. Theo ông Dương, lượng khách hàng cá nhân cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên.

“Chính trong dịp này lại là thời điểm phát huy lợi thế. Có thể nói là “trong nguy có cơ” bởi bình thường nếu không có dịch Covid-19 thì mọi người vẫn thích dùng tiền mặt tiện hơn. Nhưng bây giờ, khi dịch đang diễn biến khó lường thì mọi người lại sợ tiêu dùng tiền mặt, đấy cũng là một điều tích cực có thể ghi nhận đối với DN” , ông Dương lạc quan.

Tương tự như PV Oil, Công ty Xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Sài Gòn) cũng đã tích cực triển khai chương trình đặt hàng trực tuyến (SMO) trong giao dịch thương mại để giảm tiếp xúc trực tiếp nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Theo ông Văn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh doanh Petrolimex Sài Gòn, chương trình SMO được Petrolimex Sài Gòn đưa vào hoạt động từ tháng 3/2019 nhưng đến thời điểm này mới phát huy được tác dụng. Số liệu thống kê quý I/2020 cho thấy, bình quân mỗi ngày có từ 1.000-1.500 đơn hàng được xử lý trên hệ thống.

Ông Dũng khẳng định, SMO đã góp phần quan trọng thực hiện thành công phương án giảm thiểu tối đa giao dịch trực tiếp tại văn phòng công ty kể cả trong trường hợp 100% làm việc trực tuyến tại nhà. Đồng thời, giúp tận dụng được “cơ” - đẩy lùi “nguy” bằng việc bằng việc thúc đẩy đổi mới phương thức làm việc, tin học hóa, đặt tiền đề để Petrolimex Sài Gòn thay đổi triệt để nền tảng giao dịch sản xuất kinh doanh trong tương lai gần.

Chương trình SMO thiết kế để khách hàng và nhân viên văn phòng Petrolimex Sài Gòn có thể giao dịch đặt hàng, duyệt đơn hàng, nhận lệnh xuất, điều động phương tiện nhận hàng không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm kể cả trong trường hợp bị cách ly tuyệt đối với thiết bị kết nối online phù hợp.

Tin Cùng Chuyên Mục