Ngày pháp luật

Doanh nghiệp Việt lặng lẽ... chết

Theo Minh Chiến Phương Nhung Thái Phương/NLĐ

Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 48,1%, trong khi số thành lập mới không tăng nhiều khiến mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 trở nên khó khăn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong quý III/2018 là 96.611, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số DN tạm ngừng hoạt động lại nhiều bất thường, với 24.501 DN, tăng 76%. Tính chung 9 tháng kể từ đầu năm, có 73.103 DN tạm dừng hoạt động, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 48,1%.

Chưa cải thiện môi trường kinh doanh

Với số lượng DN rơi rụng quá nhiều như nói trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá đây là vấn đề đáng ngại, nhất là trong bối cảnh cơ quan quản lý nhà nước liên tục "hô hào" cải thiện môi trường kinh doanh. Theo bà Lan, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả của "chiến dịch" cải thiện môi trường kinh doanh mang lại chưa cao.

"Tôi đã hỏi nhiều DN về môi trường kinh doanh hiện nay như thế nào, câu trả lời nhận về là cải thiện chưa nhiều. Nói rằng thủ tục chỉ phải đi qua một cửa, rút ngắn thời gian, chi phí cho DN nhưng trên thực tế để đến được cửa cuối cùng, DN phải đi qua nhiều cửa nhỏ khác. Nhiều DN còn than phiền về việc phiền hà, nhũng nhiễu, đối mặt với những rủi ro khi hôm nay cơ quan quản lý gỡ bỏ điều kiện kinh doanh này nhưng ngày mai lại đưa ra điều kiện khác phức tạp, rườm rà hơn" - bà Lan chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt lặng lẽ... chết - Ảnh 1

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận DN Việt hiện nay đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc cho các nhóm lợi ích, "ô dù", quan hệ thân hữu. Đây là những khó khăn hiện hữu mà các DN phải đối mặt, buộc phải phân tán nguồn lực để đáp ứng, không thể dồn toàn lực đầu tư vào khoa học - công nghệ để bắt kịp xu thế toàn cầu.

Cũng theo TS Doanh, sự ủng hộ từ phía nhà nước để DN đầu tư vào công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. "Nhiều nước đã sử dụng robot, máy móc hiện đại để sản xuất, tức là lợi thế về nhân công giá rẻ của ta bị giảm sút, buộc DN phải đầu tư công nghệ hiện đại mới có thể cạnh tranh được. Khả năng áp dụng công nghệ mới để loại bỏ nguy cơ ô nhiễm môi trường của ta cũng hạn chế. Cần cải cách môi trường kinh doanh mạnh hơn nữa, nhất là tạo điều kiện về ứng dụng công nghệ" - ông Doanh kiến nghị.

Phá sản rất dễ!

Giới chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần xem xét nghiêm túc về việc nhiều DN ngừng hoạt động thời gian qua để có những kế sách hợp lý. Bà Phạm Chi Lan nhận định những biện pháp hỗ trợ DN của nhà nước thời gian qua là có nhưng để họ tiếp cận được thì không hề dễ dàng, đặc biệt là những hỗ trợ để thay đổi công nghệ, nhân lực. Do đó, cần bổ sung giải pháp giúp DN tiếp cận được sự hỗ trợ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ băn khoăn trước thực trạng mỗi ngày có tới 270 DN lặng lẽ rời khỏi thị trường nhưng không cơ quan chức năng nào đứng ra thống kê, rà soát, tìm hiểu lý do. "Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải tìm hiểu được trong số DN rời khỏi thị trường, bao nhiêu phần trăm do quy luật của thị trường, bao nhiêu phần trăm do những vấn đề về kế hoạch kinh doanh, do rào cản của thủ tục hành chính hay do những lý do bên ngoài? Cũng phải tìm hiểu xem lĩnh vực có DN rời bỏ thị trường nhiều là lĩnh vực nào? Ví dụ, tỉ lệ DN Việt rời khỏi thị trường nằm trong lĩnh vực bán lẻ đang rất đáng báo động, có phải do hiệu ứng của những chuỗi bán lẻ nước ngoài đang phát triển mạnh ở Việt Nam hay không? Phải có cái nhìn cụ thể thay vì đưa những con số vô hồn" - ông Tuấn góp ý.

Tuy nhiên, trong câu chuyện DN chết yểu tăng bất thường, bản thân DN cũng không thể vô can. Chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín nêu thực trạng DN thành lập mới dễ và phá sản cũng… rất dễ! Thực tế, nhiều DN chỉ được thành lập dựa trên ý tưởng nhất thời nhưng sản phẩm ra đời có đáp ứng được nhu cầu thị trường không lại là chuyện khác. Chưa kể, nhiều sản phẩm không có sự khác biệt nên khó cạnh tranh và thiếu sự bền vững trên thị trường.

"DN gặp khó là vì chưa chuẩn bị kỹ về nguồn lực tài chính, không chỉ là vốn mà cả bài toán về vốn. Trong trường hợp thiếu vốn thì giải pháp huy động như thế nào, chứ không chỉ giải pháp cứ thiếu vốn là vay ngân hàng, mượn người thân… Bài toán vốn cũng nằm ở bài toán kinh doanh tốt để thu hút, mời gọi vốn từ các nhà tài trợ, nhà đầu tư, rồi thông qua mua bán, sáp nhập để nhà đầu tư tìm hiểu mô hình kinh doanh có hiệu quả không?" - ông Tín đúc kết.

Không kiểm soát được DN

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng một trong những vấn đề cần phải khắc phục đó là việc cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo dẫn đến không kiểm soát được hoạt động của những DN thiếu đạo đức kinh doanh. "Tình trạng lập ra một DN để thực hiện các hành vi gian dối về hóa đơn, thuế... rồi đóng cửa, chuyển qua lập DN khác... đang diễn ra đáng báo động. Chúng ta ồ ạt lập DN, chạy theo phong trào 1 triệu DN vào 2020 trong khi không có biện pháp quản lý, gây thất thoát nguồn thu, tạo nên tình trạng thống kê thấy DN chết quá nhiều" - ông Nghĩa chỉ rõ.

Tin Cùng Chuyên Mục