Trong khi Thép Việt Ý, Gang thép Thái Nguyên hay Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ liên tiếp báo lỗ lớn trong quý IV.2018 với điểm chung là nợ phải trả lớn thì Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã kịp về đích sau 11 tháng với lợi nhuận sau thuế đạt 8.100 tỷ, vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra trước đó.
Doanh nghiệp ngành thép báo lỗ, Lê Phước Vũ lên núi ở ẩn
CTCP Thép Việt Ý (VIS) công bố báo cáo tài chính quý IV.2018 với số lỗ bất ngờ lên đến 195 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu quý IV.2018 đạt 1.372 tỷ đồng, giảm 8% so với quý IV.2017, trong đó chi phí giá vốn bỏ ra cao hơn cả doanh thu, đến 1.523 tỷ đồng nên thép Việt Ý đã lỗ gần 151 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Một điểm nữa là trong quý IV, VIS phải ghi nhận khoản lỗ khác hơn 8 tỷ đồng do phải chịu một số khoản phạt hủy hợp đồng. Tổng hợp kết quả kinh doanh trong quý, công ty báo lỗ ròng hơn 195 tỷ đồng, đây cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của Thép Việt Ý.
Tính chung cả năm 2018 doanh thu thuần đạt 5.229 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2017 và mới hoàn thành 74% kế hoạch năm. Cũng do giá vốn tăng cao nên Thép Việt Ý ghi nhận lỗ cả năm lên tới 326 tỷ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi gần 43,5 tỷ đồng.
Thép Việt Ý cho biết việc sụt giảm về lợi nhuận của công ty trong thời gian vừa qua là do những biến động và những chính sách không thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp ngành thép.
Đơn cử có thể kể đến như chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu của Chính phủ, việc gia hạn giấy phép nhập khẩu thép phế bị chậm trễ làm ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của công ty, làm phát sinh chi phí lưu tàu, chi phí phạt hủy hợp đồng và các chi phí khác.
Song song đó, thị trường biến động mạnh, nhất là thị trường sản xuất phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của công ty này giảm mạnh. Nhà máy phôi hoạt động cầm chừng dẫn đết kết quả lỗ chi phí cố định phát sinh.
Giá thép trong kỳ giảm mạnh, trong khi công ty phải chuẩn bị mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước mấy tháng dẫn đến lỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Cũng với lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ, công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TIS) bất ngờ báo lỗ trong quý IV.2018.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của công ty này, mặc dù doanh thu thuần quý IV.2018 ghi nhận mức tăng 7% đạt 2.703 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kỳ này chi phí tài chính của TIS tăng 24% cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi từ mức 30,8 tỷ lên 62,5 tỷ.
Chưa hết, trong kỳ TIS còn ghi nhận thêm hơn 3 tỷ đồng lợi nhuận khác (giảm mạnh 88% so cùng kỳ) đã kéo mức lỗ của TIS giảm xuống còn 21 tỷ đồng trước thuế. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái TIS lãi tới 25 tỷ đồng. Như vậy, sau 13 kỳ làm ăn có lãi, TIS lại trở lại quỹ đạo thua lỗ trong quý IV.2018. Lũy kế cả năm 2018, TIS ghi nhận 10.935 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so năm 2017. Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 71% về 35 tỷ đồng.
Ngoài kết quả kinh doanh “bết bát” VIS và TIS còn có điểm tương đồng khác liên quan đến các khoản thu khó đòi và nợ phải trả. Tại VIS, tính đến cuối năm tổng nguồn vốn sụt giảm mạnh do phải ghi nhận lỗ lớn, giảm 10% so với đầu năm, về mức 2.683 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm tới hơn 73% (chủ yếu là do vay nợ ngắn hạn).
Đối với khoản mục tài sản, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty sụt giảm mạnh về 938 tỷ đồng, so với mức 1.339 tỷ đồng đầu năm. Thế nhưng, dự phòng phải thu khó đòi lên mức gần 100 tỷ đồng, tăng so với con số 80 tỷ đồng đầu năm. Mặt khác, hàng tồn kho tăng 62% so với đầu năm lên 870 tỷ đồng, đồng thời, ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 73 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh Gang thép Thái Nguyên
Tương tự, tại gang thép Thái Nguyên, tại thời điểm cuối năm 2018, tổng khoản nợ xấu của TIS ở mức 651 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ vào khoảng 393 tỷ đồng. Và con nợ lớn nhất của TIS là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng vẫn đang chiếm dụng gần 252 tỷ đồng.
Trong khi tổng nguồn vốn của TIS ở mức 10.577 tỷ đồng thì nợ phải trả chiếm tới 8.707 tỷ đồng. Trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của TIS vẫn đang lên tới 2.914 tỷ đồng và 2.803 tỷ đồng.
Nhắc đến ngành thép, một trong những doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư không thể không nhắc đến chính là tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ. Niên độ tài chính 2017-2018 là năm khá ảm đạm cho hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG)
Trong niên độ này, kết quả kinh doanh của Hoa Sen đem về doanh thu 34.441 tỷ đồng (tăng 32%), đạt 115% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong niên độ này lại sụt giảm gần 70%, chỉ đạt 409 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch đã được đặt ra. Riêng trong quý IV.2018, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Lê Phước Vũ, qua 2 năm thăng hoa, ngành thép đang phải đối mặt với cuộc thanh lọc thứ hai. Trong năm 2018, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường tôn – thép đã bộc lộ và bước đầu tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giá thép nguyên liệu biến động liên tục, gây ảnh hưởng đến giá vốn. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu suy giảm bởi các cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và rào cản thuế quan được dựng lên do sự “trỗi dậy” của chính sách bảo hộ sản xuất.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen
Ngành thép Việt Nam trong năm 2018 phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn, làm tăng thêm trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, dư thừa nguồn cung, cộng với sản lượng thép nước ngoài kém chất lượng, giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam làm cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cũng phải nói thêm rằng, lợi nhuận kinh doanh “bết bát” của Hoa Sen một phần nguyên nhân còn đến từ con số nợ vay “khổng lồ” của tập đoàn này. Tại thời điểm 30.9.2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) so với niên độ tài chính trước. Từ vị thế "vua tôn", Hoa Sen rơi vào thế "chúa chổm", nợ nần và ông Lê Phước Vũ lên núi ở ẩn.
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long về đích sau 11 tháng
Trái ngược với kết quả kinh doanh bết bát của nhiều doanh nghiệp thép, tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lại ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2018.
Ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát (HPG), cho biết sau 11 tháng đầu năm, về cơ bản tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm. Mặc dù về cuối năm do biến động ngành thép thế giới nhưng nhìn chung HPG vẫn ghi nhận doanh thu 11 tháng đạt trên 50.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 8.100 tỷ, vượt kế hoạch lợi nhuận 8.050 tỷ đồng đã đề ra trước đó.
11 tháng, HPG đạt lợi nhuận sau thuế đạt 8.100 tỷ đồng
Đáng chú ý, năm 2018, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ thép để mở rộng thị phần, tháng 10 vừa qua sản lượng thép xây dựng đạt cao nhất lịch sử 250.000 tấn, tháng 11 đạt 220.000 tấn.
Dự kiến sản lượng bán hàng các loại thép của Tập đoàn năm 2018 đạt khoảng 3 triệu tấn, trong đó có trên 2,3 triệu tấn thép xây dựng, 600-700 nghìn tấn ống thép. Khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất đi vào hoạt động dự kiến từ quý II.2019, Hòa Phát đặt kế hoạch 2019 sản lượng khoảng 3,5 triệu – 4 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với thực hiện năm nay.
Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu đang chiếm khoảng 10% tổng sản lượng thép của Tập đoàn với thị trường đa dạng như Lào, Campuchia, Malayxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, đặc biệt là Mỹ, nơi đánh thuế 25% với thép nhập khẩu từ Việt Nam nhưng thép Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường này.
Năm 2019 dự kiến xuất khẩu khoảng 400.000 tấn, chiếm 10-12%, hướng đến nhiều thị trường và chú trọng ở Đông Nam Á như Lào và Campuchia.