Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, cho biết phí bảo trì 2% Bộ Xây dựng quy định là quá lớn, nên thu 2% trên giá thành xây dựng, không nên thu trên giá bán. Bởi trên thực tế giá bán của 1 dự án phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có giá thành xây dựng.
Ngoài ra, theo ông Đực, việc nhiều chủ đầu tư có tình trạng thu phí bảo trì chung cư trong 5 năm đầu tiên tính từ lúc giao nhà là không hợp lý. "Bởi vì 5 năm đầu tiên chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo trì chung cư mình xây dựng. Việc thu 2% phí bảo trì lúc giao nhà với số tiền lớn sẽ bị đóng băng, rất vô ích, gây lãng phí tài sản của cư dân. Ngoài ra, việc trục lợi, lạm dụng phí bảo trì vì thế mà hình thành", ông Đực nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng giám đốc SSG Group cũng cho biết, giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư dự án thời gian qua có nhiều mẫu thuẫn trong quản lý, vận hành dự án này. Cụ thể, chủ đầu tư đã có văn bản hỏi Sở Xây Dựng và Bộ Xây dựng về việc khắc con dấu cho ban quản trị để thuận tiện hơn trong việc bàn giao chung cư, nhưng đến nay đã hơn 1 năm vẫn chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó phí bảo trì 2% của dự án lên đến 40-50 tỷ thậm chí cả 100 tỷ đồng, khi ban quản trị chưa có con dấu việc bàn giao này rất khó thực hiện.
"Chúng tôi là chủ đầu tư khi đi xin khắc con dấu thì rất mất thời gian và đi lòng vòng. Theo quy định thì Chính phủ giao Bộ Công An khắc con dấu, tuy nhiên, lúc đến cơ quan công an hỏi thì họ lại bảo đang chờ thông tư hướng dẫn về việc này. Chính điều này đã khiến doanh nghiệp chúng tôi khó bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị", ông Đồi cho biết.
Ngoài ra, theo ông Đồi, các cấp chính quyền nhà nước nên thành lập một cơ quan để quản lý các ban quản trị. "Chính phí bảo trì tại nhiều chung cư rất lớn nên vẫn có một số ban quản trị chưa minh bạch trong việc thu chi khiến tiền của các cư dân đóng vào thất thoát. Ngoài ra, có một số vấn đề ban quản trị vẫn không thể đảm đương nổi, nên việc thành lập cơ quan để quản lý các ban quản trị là rất cần thiết", ông Đồi kiến nghị.
Trước những bức xúc của các doanh nghiệp đưa ra, đại diện Sở Xây Dựng cho biết, trên thực tế đã có rất nhiều ban quản trị đã được cơ quan công an cấp dấu. Việc một số ban quản trị chung cư chưa có con dấu thì có thể liên hệ đến sở Xây Dựng để gỡ vướng mắc. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Xây Dựng sẽ có văn bản gửi công an thành phố để họp chính thức về việc cấp con dấu cho các chủ đầu tư dự án.
Đối với kinh phí bảo trì, đại diện Sở Xây Dựng cũng cho biết nếu việc điều hành của ban quản trị yếu kém, hội nghị nhà chung cư có trách nhiệm xử lý. Mọi chi tiêu của ban quản trị phải thông qua sự đồng ý tại hội nghị nhà chung cư. Hiện nay, đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây Dựng đang hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 tới sẽ giải quyết triệt để cuộc chiến tranh giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư.