Báo Thanh Niên mới đây dẫn lời ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, "một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản". Điều này khiến thị trường hoài nghi về một “vụ phá sản” có thể diễn ra trong thời gian tới.
Nhắc đến việc một doanh nghiệp nộp đơn phá sản, hay xin bảo hộ phá sản, nhiều người cho rằng, doanh nghiệp đó chắc chắn đang đứng bên bờ vực thẳm, mất đi số tiền đã cho vay và đầu tư vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bảo hộ phá sản là gì, và ở Việt Nam có quy định về bảo hộ phá sản không là thắc mắc mà nhiều người vẫn hỏi.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Diệp tại Công ty Luật TNHH Thiên Lý
Để giải đáp câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Diệp tại Công ty Luật TNHH Thiên Lý cho biết, bảo hộ phá sản (bankruptcy protection) là một khái niệm nằm trong pháp luật phá sản của Mỹ để nói về việc một chủ thể mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ, đứng trước nguy cơ bị phá sản. Chủ thể này (là cá nhân hoặc doanh nghiệp) có thể tiến hành các thủ tục pháp lý với Tòa án để xin “bảo hộ phá sản”, qua đó, dựa trên quyết định của Tòa án nhằm trì hoãn việc trả nợ, thậm chí tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế.
Theo Luật sư Diệp cho biết, trên thế giới có nhiều quốc gia có quy định và sử dụng thủ tục bảo hộ phá sản này. Và hàng không là một trong những ngành kinh doanh không xa lạ gì với nguy cơ phá sản. Đơn cử, American Airlines, United hay Delta - những hãng bay lớn của Mỹ - đều có thời điểm nộp đơn xin phá sản.
Năm 2011, AMR Corp - công ty mẹ của hãng American Airlines từng nộp đơn bảo hộ phá sản trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và nhu cầu bay sụt giảm, trong khi không thể thương lượng giảm tiền lương với phi công.
Theo luật pháp Mỹ, bảo hộ phá sản cho phép doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp xin phá sản theo Chương 11 được bảo vệ khỏi chủ nợ trong thời gian nhất định và tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể phải bán bớt tài sản hoặc giải thể các bộ phận không sinh lời, dẫn đến việc cho người lao động nghỉ việc.
Dựa vào điều này, tháng 2/2012, American Airlines đã cắt giảm 18% nhân viên nhằm mục đích giảm 20% chi phí hoạt động. Tiếp đó, hãng tìm kiếm cơ hội sáp nhập với nhiều hãng bay khác, trong đó có US Airways, nhằm tăng doanh thu và giảm chi phí.
Hai năm sau, sau nhiều thỏa thuận tài chính, AMR và US Airways hoàn thành phi vụ sáp nhập thành hãng hàng không lớn nhất thế giới American Airlines Group.
Theo luật pháp Việt Nam, không có khái niệm “bảo hộ phá sản” cho các doanh nghiệp như ở Mỹ. Tuy nhiên, Luật Phá sản hiện hành có các định nghĩa và quy định bảo vệ cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong hoàn cảnh “mất khả năng thanh toán” gần tương tự với "bảo hộ phá sản" tại Chương 7 Luật Phá sản 2014.
Cụ thể, chương 7 Luật Phá sản 2014 có nêu các quy định cho phép một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể xây dựng phương án và tiến hành hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh dưới sự giám sát của Thẩm phán, chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Nếu việc phục hồi thành công, doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, có thể trả được các khoản nợ, nhưng nếu không thành công thì doanh nghiệp sẽ bị phá sản.
Như vậy, dưới sự giám sát của tòa án, doanh nghiệp tránh được áp lực trước các chủ nợ, bảo toàn tài sản để kinh doanh và có thêm thời gian để điều chỉnh hoạt động theo hướng tích cực. Doanh nghiệp nộp đơn phá sản không có nghĩa là đã phá sản mà có thêm một cơ hội để xoay chuyển tình thế và vực dậy từ khó khăn.
Trong thời hạn xin "bảo hộ phá sản", doanh nghiệp có thể được phép tham gia các hoạt động như huy động vốn, giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ; thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất. Cùng với đó, doanh nghiệp có thể bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác; hoặc bán hoặc cho thuê tài sản; sử dụng các biện pháp khác không trái quy định của pháp luật.
Đặc biệt, doanh nghiệp không được phép cất giấu, tẩu tán, tặng tài sản; từ bỏ quyền đòi nợ cũng như chuyển khoản nợ không bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tải sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
6 tháng một lần, doanh nghiệp/ hợp tác xã sẽ phải lập báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm báo cáo Thẩm phán và thông báo cho chủ nợ.