Ngày pháp luật

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lạc quan về triển vọng phục hồi hậu Covid-19

Theo nghiên cứu “Survival to Revival” (tạm dịch: “Từ sinh tồn đến hồi sinh”) hồi tháng 7/2020 của hãng HP về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) ở châu Á – Thái Bình Dương, có đến 65% SMB Việt Nam tin rằng họ sẽ phát triển mạnh sau đại dịch.

Nghiên cứu của HP khẳng định đại dịch Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á rơi vào tình trạng bế tắc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của họ. Trong đó 5/8 thị trường được khảo sát cho biết dòng tiền là 1 trong những rào cản lớn nhất đối với quá trình phục hồi của SMB.

Tuy nhiên mức độ tự tin vào khả năng phục hồi sau dịch bệnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tương đối cao. 72% SMB được khảo sát tin rằng họ sẽ tồn tại qua giai đoạn khó khăn và 65% khẳng định họ sẽ phát triển mạnh sau đại dịch. Trong khi đó mức trung bình của các quốc gia khác lần lượt là 60% và 53%.

65% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khẳng định sẽ phát triển mạnh sau đại dịch. 
65% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khẳng định sẽ phát triển mạnh sau đại dịch. 

Theo nghiên cứu, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, việc áp dụng linh hoạt và nhanh chóng các biện pháp phòng dịch đã giúp Việt Nam khôi phục được hầu hết các hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh hậu Covid-19, SMB Việt Nam đã từng bước hình dung các mô hình kinh doanh nhằm đảm bảo chiến lược, công cụ phù hợp để quá trình phục hồi mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Nghiên cứu của HP cũng khẳng định, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi đồng thời cung cấp các giải pháp công nghệ từ HP để hỗ trợ các SMB Việt Nam vừa phát triển sản phẩm, dịch vụ vừa thúc đẩy hoạt động và tiết kiệm chi phí.

Khoảng 47% doanh nghiệp Việt Nam khẳng định áp dụng kỹ thuật số là chìa khóa để họ phát triển mạnh sau thời kỳ dịch bệnh và 1/5 SMB được khảo sát có ý định chuyển dần sang kỹ thuật số để thúc đẩy hiệu suất và tốc độ trong tương lai.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng thể hiện sự tích cực trong dự báo tăng trưởng với 41% SMB được khảo sát kỳ vọng đạt mục tiêu phát triển trong năm tới, cao hơn so với mức trung bình 16% của các nước khác.

Đề cập đến chiến lược phục hồi hàng đầu, các SMB Việt Nam chỉ ra 3 lĩnh vực chính hỗ trợ quá trình hồi phục đó là: tiếp cận các khoản tài trợ và cho vay; đổi mới sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường tiêu dùng. Trong khi đó, các yếu tố cản trở thành công là việc tuyển dụng, chiến lược tiếp thị phù hợp và thiếu bí quyết đổi mới.

Khảo sát của HP được thực hiện từ ngày 26/5 đến 7/6/2020 gồm 200 cuộc phỏng vấn với 1.600 doanh nghiệp tham gia tại các thị trường châu Á. Chỉ có Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính, Chủ sở hữu, đối tác của doanh nghiệp có dưới 200 nhân viên mới đủ điều kiện tham gia khảo sát.

Các cuộc phỏng vấn được chia đều cho doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 nhân viên), doanh nghiệp nhỏ (từ 10-49 nhân viên) và doanh nghiệp vừa (50-199 nhân viên) tại nhiều lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sản xuất, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe.

Tin Cùng Chuyên Mục