Trong 3 năm qua, đã có 4.000 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất 45 MW. Sau khi Bộ Công Thương bãi bỏ quy định bù trừ sản lượng, áp dụng cơ chế 2 chiều, nhà đầu tư có quyền đầu tư điện từ lưới điện và bán lại toàn bộ lượng sản xuất được cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điện mặt trời áp mái đã tăng trưởng “ngoạn mục”.
Sớm có giá mua điện mặt trời mới
Báo cáo từ EVN cho biết, trong 8 tháng qua, phần năng lượng tái tạo đã phát lên lưới 2,8 tỷ kWh, đạt hơn 106% dự kiến cả năm 2019. Nhờ yếu tố thuận lợi, điện mặt trời đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống. Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn điện mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25 - 26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1...
Tại Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương quy định, những dự án điện mặt trời ký hợp đồng mua, bán điện trước 30/6/2019, lượng điện thừa không sử dụng hết sẽ được phát lên lưới điện quốc gia và ngành điện mua lại với giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh). Hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm, còn các dự án ký hợp đồng mua, bán điện sau ngày 30/6/2019, Bộ Công thương đang dự thảo cơ chế giá mua điện mới.
|
Giá FIT áp dụng trong một số năm sẽ khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. |
Dự thảo cơ chế giá mua điện đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ với đề nghị giữ giá điện mặt trời áp mái 9,35 cent/kWh như hiện tại đến hết năm 2021. Giải thích về đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng, các dự án đầu tư mặt trời áp mái mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất.
Ngoài giá mua điện mặt trời, nguồn điện gió cũng cần thiết áp dụng mức giá mới trong thời gian tới. Thời điểm này, giá mua bán điện FIT (giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo) cũ cho điện mặt trời đã hết hạn, trong khi giá FIT mới vẫn chưa có khiến nhiều người dân, doanh nghiệp đang đang ngóng chờ cùng với phương án chia vùng, đấu giá...
Trao đổi tại Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, giá FIT chỉ áp dụng trong một số năm trong hoặc một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Giá FIT 1 (giá cũ) của điện mặt trời đã được áp dụng là 9,35 cent/kWh và kéo dài đến 30/6/2019.
Ông Quân cho biết, dự kiến trong tuần này hoặc tuần tới, mức giá FIT mới (FIT 2) áp dụng cho điện mặt trời được Chính phủ họp để quyết định, dự kiến sẽ có thời hạn đến 31/12/2021.
Liên quan đến việc đấu thầu, ông Quân đưa ra các phương án: Thứ nhất là đấu thầu theo trạm biến áp; theo đó xác định nguồn bao nhiêu, có thể đấu nối trạm biến áp trong vòng bán kính bao nhiêu, thì chọn nhà đầu từ phát triển điện mặt trời; từ đó tìm nhà đầu tư có năng lực và có giá bán điện tốt.
Thứ hai là xây dựng các trang trại mặt trời – công viên mặt trời (solar park); trong đó, nhà nước cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, rồi cho các nhà đầu tư đấu giá. Bộ Công Thương dự kiến tháng 11 trình Chính phủ lấy ý kiến các cơ quan để áp dụng thí điểm năm 2020.
"Với lý do chia vùng, sau khi có tư vấn quốc tế nghiên cứu vùng miền, Bộ Công Thương có đề xuất chia 4 vùng với mức giá khác nhau để dàn nguồn, tránh tập trung vào một khu vực có bức xạ cao, khuyến khích tiêu thụ năng lượng tại chỗ nhằm giảm công suất truyền tải trên hệ thống", ông Quân thông tin thêm.
Duy trì cơ chế giá điện 9,35Uscent/kWh?
Theo ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược EVN, để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và gần 7.2000MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023 (ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải).
Đối với các điện mặt trời mái nhà, ông Đăng kiến nghị, duy trì cơ chế giá điện 9,35Uscent/kWh như hiện nay để khuyến khích đầu tư tối thiểu thêm 2.000MW. Đặc biệt, sớm hoàn thiện và ban hành các qui định, cơ chế chính sách để thực hiện phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió theo hình thức đấu thầu nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án.
Một thực tế khác đó là thời gian qua, các dự án điện mặt trời và điện gió đã được đầu tư nhiều, đặc biệt tại các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... đã gây nên sự quá tải lên đường dây truyền tải; nhiều trường hợp không thể giải tỏa hết công suất các dự án khiến điện không bán được làm nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, sau khi có các cơ chế về giá ưu đãi đối với điện mặt trời, điện gió, các dự án điện năng lượng tái tạo này phát triển quá nhanh. Trong khi đầu tư 1 dự án điện mặt trời với công suất 50-100MW chỉ mất khoảng 6 tháng, nhưng việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Do vậy, việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.
“Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ... Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối 2019 và đầu năm 2020”, ông Hùng nêu giải pháp.
Mặc dù vậy, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho rằng, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây này còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, thời gian thi công, đền bù giải phóng mặt bằng.../.