Sản xuất cầm chừng, nợ đơn hàng
Nhiều doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” vì nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn. Chuỗi cung ứng nguyên liệu có nguy cơ bị đứt gãy trong thời gian tới.
Chuyên làm hàng may gia công cho các thị trường lớn, Tổng công ty cổ phần May Đáp Cầu nhập tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc theo chỉ định của bạn hàng. Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Đáp Cầu cho biết, hiện doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến tháng 9/2022, tuy nhiên đến nay nhiều đơn hàng bị chậm, hoãn giao hàng do thiếu nguyên phụ liệu.
Ông Thăng cho biết, sau nhiều thời gian chờ đợi, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đang đổ về nhỏ giọt. Do chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc, nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải bị ách tắc, về rất chậm hoặc không về do thành phố này phong tỏa diện rộng. Hàng về nhỏ giọt, doanh nghiệp buộc phải xé lẻ, rải đơn cho các tổ sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân.
Thời điểm doanh nghiệp có năng lực thì không có nguyên phụ liệu để sản xuất, có thời điểm khi nguyên phụ liệu về ồ ạt thì lại không đủ năng lực để sản xuất. Bình thường 1 mã hàng, doanh nghiệp chỉ sản xuất trong 1 tháng với 1-2 tổ sản xuất nhưng do thiếu nguyên phụ liệu nên một mã lại phải xé lẻ ra, chuyển thành 4-5 tổ khiến cho năng suất lao động giảm.
“Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi phải đàm phán lại thời gian giao hàng nhưng cũng không thể lùi chậm lại quá, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro về thanh toán”, ông Thăng cho hay.
Trong tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp nhập 65% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 mà nguyên phụ liệu bị ách tắc.
“Bình thường từ cảng Thượng Hải về Hải Phòng chỉ mất 7 ngày, nhưng hiện nay phía bạn đang phong tỏa, nên phải mất đến 30 ngày nguyên phụ liệu mới về nên nhiều đơn hàng bị chậm lại, ảnh hưởng đến hàng nhập khẩu của doanh nghiệp”, ông Dương cho hay.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết tháng 8-9, thậm chí có doanh nghiệp ký đến quý 4. Và với tình hình chậm nguyên phụ liệu kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng sắp tới.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày nhập khẩu tới 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nên việc nước này phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cộng thêm chi phí vận chuyển, logistics cực kỳ cao nên doanh nghiệp rất khó để đáp ứng kịp thời các đơn hàng.
Tìm cách thích ứng
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ đợt bùng phát dịch COVID-19 năm 2020 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu dệt may đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng tuy nhiên, việc đáp ứng chưa được như kỳ vọng. Trong nước mới đáp ứng được 10% nhu cầu vải, mặt hàng bông vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn hàng nhập khẩu.
“Những doanh nghiệp mua vải từ Trung Quốc có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Trước mắt, doanh nghiệp có thể chuyển hướng mua nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc trong nước và chấp nhận trả giá cao hơn, thương lượng với đối tác để giao hàng chậm”, ông Tùng cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Đáp Cầu, doanh nghiệp cũng tìm nguồn cung mới nhưng không thể trong một sớm một chiều khi Trung Quốc là công xưởng của thế giới, cung ứng nhiều nguyên phụ liệu với giá thành phù hợp. Trong khi phần lớn nguồn nguyên liệu mà May Đáp Cầu nhập khẩu đều do đối tác chỉ định. Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới, mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu.
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường có vai trò quan trọng đối với cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ta với kim ngạch năm 2021 ở mức 109,9 tỷ USD. Đặc biệt đây cũng là thị trường cung cấp lớn đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất.
Bộ Công Thương cho biết thời gian tới bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp cập nhật những thay đổi về chính sách đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng đầu mối thông tin tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì COVID-19. Đồng thời, vì chủ trương của nước bạn là “Zero COVID-19” nên doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp.
Ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ Công Thương sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Về phía các doanh nghiệp, trước mắt, vừa phải cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa đảm bảo tiến độ giao hàng. Một số doanh nghiệp cũng đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Để giải bài toán thiếu nguyên phụ liệu, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục phụ thuộc nguồn nguyên liệu ngoại nhập, thì Bộ Công Thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại nước ngoài;Tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt để hỗ trợ nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.