Tại cuộc họp báo chiều nay (6/7), ông Nguyễn Hùng Anh – Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thông tin: "Một doanh nghiệp không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của VCCI để đưa thông tin lên mạng rằng được phép cấp C/O cho các công ty khác". Đây cũng là thủ đoạn gian lận thương mại lần đầu được phát hiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông chưa tiết lộ tên doanh nghiệp do đang trong quá trình điều tra và chỉ cho biết đây là một đơn vị tại TP HCM, thành lập từ năm 2018.
Theo Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, doanh nghiệp tại TP HCM này đã tự thiết kế mẫu C/O, nhận thông tin về các lô hàng xuất khẩu để phát hành giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hơn 30 công ty ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đưa hàng hóa ra nước ngoài.
"Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của các công ty này rất lớn, trên 600 tỷ đồng. Trong đó, công ty có số hàng lớn nhất hơn là 200 tỷ, còn lại mỗi doanh nghiệp khoảng vài tỷ đồng", ông Hùng Anh nói và nhận định các công ty sử dụng C/O này cũng thường là "có vấn đề".
Hiện tại, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra công an (C03) để tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của công ty này. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng rà soát, mở rộng điều tra để xử lý các trường hợp tương tự.
Theo ông Hùng Anh, Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 31/2008 quy định, Bộ Công Thương cấp C/O xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy quyền cho VCCI và các tổ chức khác.
Căn cứ vào quy định trên, thẩm quyền cấp C/O hiện nay được phân cấp như sau: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do, còn VCCI cấp C/O với hàng hóa xuất khẩu không hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Như vậy, ngoài đơn vị nêu trên, Bộ Công Thương không ủy quyền cho các tổ chức khác để cấp C/O.
Ngoài vụ có dấu hiệu làm giả C/O trên, ngành Hải quan đã xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Đơn vị này đã thu hơn 33 tỷ đồng (gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật).
Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua nổi lên việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan với các nước đã ký kết hiệp định với Việt Nam. Một số phương thức gian lận phổ biến là doanh nghiệp đầu tư dây chuyển sản xuất sơ sài, thực hiện lắp ráp đơn giản; doanh nghiệp chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu; doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam.
Trước tình trạng này, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung cách tính thu lợi bất hợp pháp với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công do đơn vị thuê gia công - thường ở nước ngoài nhưng vi phạm xảy ra ở Việt Nam. Các đơn vị này phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp từ hành vi vi phạm này.
Đồng thời, hải quan đề xuất cần có quy chế phối hợp cụ thể giữa Bộ Công Thương với Bộ Tài chính, hải quan trong việc thực hiện kiểm tra xác minh xuất xứ với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng phải có hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhãn mác, khai báo xuất xứ hàng xuất khẩu trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng xuất xứ Việt Nam...