Động thái bất thường
Như Doanhnhan.vn đã thông tin, cho rằng việc ông Tống Hải Nam (Phó cục trưởng Cục QLĐNN) ký quyết định số 291/QLĐNN gửi Công ty Vihatico tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, tháng 5/2017, ông Lưu Quang Bình đã gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tố cáo ông Tống Hải Nam.
Theo đó, công ty này tố cáo ông Nam đã ký 2 văn bản (trong đó có văn bản 291) và tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành 2 văn bản: Công văn 4732/LĐTBXH- QLLĐNN ngày 18/11/2015 về việc chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản và Công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 6/4/2016 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản nhưng thực chất là áp đặt thêm các điều kiện kinh doanh trái pháp luật gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đang chờ sự giải quyết của Bộ LĐ-TB&XH thì đầu tháng 9/2017, VIHATICO được Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH mời đến làm việc với nội dung nhằm xác định đơn đề ngày 25/8/2017 có đóng dấu VIHATCO gửi Bộ LĐ-TB&XH xin rút đơn khiếu nại tố cáo ông Tống Hải Nam (Cục phó Cục QLLĐNN) - người ký công văn 291/QLLĐNN-TTr dừng toàn bộ hoạt động XKLĐ gây thiệt hại nặng nề cho Công ty VIHATICO.
Tại buổi làm việc ngày 12/9/2017 với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, ông Lưu Quang Bình khẳng định đơn đề ngày 25/8/2017 mà Bộ LĐ-TB&XH nhận được không phải do ông Bình viết, chữ ký và con dấu trên đơn không phải của VIHATICO. Ông Bình khẳng định vẫn giữ nguyên các nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ban hành công văn 291/QLLĐNN-TTr ngày 15/3/2017 của Cục quản lý lao động ngoài nước và Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH.
Ngày 5/9/2017, trong đơn của ông Bình gửi Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và ông Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) có nêu tên một cán bộ Phòng Pháp chế Tổng hợp (thuộc Cục QLLĐNN) đã gọi điện thoại cho con trai ông Bình, hẹn gặp và nhờ con trai ông Bình thuyết phục ông Bình rút đơn.
Và mối lo “cái sảy nảy cái ung”
Theo tìm hiểu được biết, đầu năm 2017, một số các doanh nghiệp XKLĐ thuộc ngành lao động đã liên tục làm đơn kêu cứu bởi một loạt công văn mang dạng “giấy phép con” như: Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 và công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 6/4/2016 thay thế 4732/LĐTBXH-QLLĐNN. Dựa trên các công văn này Cục QLLĐNN đã đòi các DN muốn XKLĐ phải đạt đầy đủ các điều kiện cụ thể đề ra trong công văn như các điều kiện về cán bộ, bộ máy, cơ sở vật chất.
Dẫn chứng từ ông Bình cho thấy, ngày 18/11/2015, Bộ này ra Công văn số 4732 chỉ đạo các doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động XKLĐ. Việc làm này ít nhiều hạn chế sự bát nháo của thị trường XKLĐ nhưng khiến nhiều doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.
Quy định các doanh nghiệp phải báo cáo một số nội dung về Cục QLLĐNN trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được công văn nếu không sẽ bị dừng thị trường Nhật Bản. Căn cứ văn bản này, ngày 26/1/2016, ông Tống Hải Nam (Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN) ký công văn số 113/QLLĐNN-NBCADDNA dừng việc thẩm định hợp đồng và cấp thư phái cử đưa lao động sang Nhật Bản vô thời hạn đối với 35 doanh nghiệp vì lỗi không báo cáo kịp trong 30 ngày. Việc làm trên đã thể hiện sự tùy tiện và vô trách nhiệm của Cục này”, ông Bình bức xúc.
Theo ông Bình và nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực, lỗi không báo cáo có qui định xử phạt hành chính rất rõ ràng trong Nghị định 95/CP, mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi “không báo cáo đột xuất, định kỳ về hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” nên việc dừng doanh nghiệp bằng công văn của Cục là lạm quyền, trong khi đó công văn của Cục QLLĐNN lại không ghi rõ thời hạn và điều kiện để mở lại cho doanh nghiệp hoạt động.
Sự chậm trễ giải quyết đơn thư của VIHATICO và nhiều "động thái" vận động doanh nghiệp này bãi nại bằng cam kết cấp phép mới nhanh gọn đang đặt thêm nhiều thắc mắc về phía Cục QLLĐNN, Bộ LĐTB&XH trong quy trình cấp, đổi giấy phép thiếu minh bạch, đầy tai tiếng hiện nay.
Ông Lưu Quang Bình cho biết, trước thời gian Bộ LĐ-TB&XH nhận được đơn giả mạo xin rút đơn tố cáo khiếu nại kể trên thì một số người đã tìm cách tiếp cận, thuyết phục VIHATICO rút đơn tố cáo đối với ông Tống Hải Nam.
Theo như ông Bình nói thì người thuyết phục đã đưa ra những lợi ích cụ thể dành cho VIHATICO kèm lời "đảm bảo" là sẽ cấp nhanh giấy phép mới cho VIHATICO mà không mất phí "bôi trơn", không cần ký quỹ 1 tỷ đồng theo luật định(?).
Nếu VIHATICO rút đơn khiếu kiện thì ai, bằng cách gì để họ thực hiện cam kết cấp giấy phép mới cho VIHATICO? Liệu ai đó có thể giúp VIHATICO "lách luật" bằng cách lập công ty mới rồi cấp giấy phép cho công ty này?
Từ việc chậm trễ giải quyết đơn thư của doanh nghiệp, “cái sảy đang nảy cái ung” khiến lĩnh vực quản lý nhà nước về XKLĐ thêm nóng và mất hình ảnh, DN lo lắng trước những rào cản mà cơ quan quản lý cố tình đặt ra làm khó DN.
Dư luận đang chờ câu trả lời và hành động kiên quyết của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, đúng như tinh thần ông từng trả lời báo chí sẽ xử lý nghiêm minh sự việc, không bao che những sai phạm của cấp dưới.
Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.