Ngày pháp luật

Doanh nghiệp hành động vì mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính

TS. Đoàn Văn Công - Nghiên cứu viên tại Đại học Torino, Italy

Việc cân nhắc các yếu tố về quyền sở hữu trí tuệ và tích hợp hoạt động quản trị tài sản trí tuệ khi thực hành ESG nên trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp.

“Biến đổi khí hậu” hay “sự nóng lên toàn cầu” đã và đang tác động mạnh mẽ và gây ra hậu quả những hiện tượng thời tiết cực đoan, băng tan nhanh, mực nước biển tăng cao, diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. 

Những tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra trong vài thập kỷ tới và nó sẽ những ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của con người và hệ sinh thái.

Nguyên nhân chính đã được giới khoa học chỉ ra là do các hoạt động của con người tạo ra ngày càng nhiều các khí gây hiệu ứng nhà kính (KNK) vào bầu khí quyển. Do đó, để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thì chúng ta cần có hành động sớm và kiên quyết nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Những cam kết lịch sử

Năm 2015, Thỏa thuận chung Paris đã ra đời tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide (CO2). 

Tại hội nghị, các vị nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đã đồng lòng chung tay hành động giảm phát thải KNK (nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu); cùng đặt mục tiêu về các cam kết khí hậu, giảm thiểu phát thải KNK nhằm nỗ lực duy trì “sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2°C so với mức tiền công nghiệp” và theo đuổi các nỗ lực “hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp”.

Tùy theo nguồn lực mỗi quốc gia mà họ đặt ra mục tiêu khác nhau và đa phần các quốc gia chọn lộ trình đạt mục tiêu là Net Zero đến năm 2050. Đến tháng 6/2021, đã có hơn 135 quốc gia đã đặt mục tiêu cụ thể hay đã đạt mục tiêu về những cam kết về giảm phát thải KNK. 

Vào năm 2021, tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – đại diện Chính phủ Việt Nam - đã cam kết hành động giảm phát thải nhà kính, mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 (hay còn gọi là Net Zero).

Doanh nghiệp hành động

Doanh nghiệp là đơn vị cơ sở trực tiếp cho các hoạt động gây ra phát thải KNK; đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm có hàm lượng carbon thấp; là đơn vị tài trợ cho các dự án giảm phát thải; và trực tiếp thực hiện các kế hoạch về khí hậu của chính phủ. 

Các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đang ứng dụng nhiều mô hình khác nhau trong chuỗi hành động với vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải KNK. Trong đó có 4 mô hình đang được chọn thực hiện phổ biến.

Mô hình đầu tiên là carbon neutral (carbon trung hòa – CO2). Carbon trung hòa là trạng thái khi tổng lượng KNK mà một tổ chức phát thải ra môi trường được đưa về mức bằng không hoặc giảm bớt đến mức tối thiểu. 

Các doanh nghiệp phải cân bằng lượng phát thải và lượng hấp thụ lại carbon từ việc loại bỏ trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và/hoặc họ có thể đầu tư một dự án giảm/hấp thụ carbon khác để cân bằng lượng phát thải mà các doanh nghiệp đã thải ra. 

Nhiều doanh nghiệp và tập đoàn đang cam kết đạt được trạng thái carbon trung hòa trong một khoảng thời gian cụ thể như 2030 hay 2050 so với một mốc thời gian trước đó.

Mô hình thứ 2 là RE 100 - mô hình đang hướng tới sử dụng 100% là năng lượng tái tạo. RE100 là một mô hình mà các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc công ty cam kết sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo. 

Điều này có thể bao gồm việc sử dụng điện từ nguồn năng lượng như gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, hay các nguồn khác không tạo ra khí nhà kính. Ví dụ, Google đã đạt được mục tiêu RE100 và đã mua đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của họ từ các nguồn tái tạo.

Nhà máy gạch Viên Châu, Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Anh  
Nhà máy gạch Viên Châu, Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Anh  

Mô hình thứ 3 là NET ZERO. Giống với mô hình trung hòa, mô hình Net Zero cũng hướng đến mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng carbon trong quá trình sản xuất. 

Tuy nhiên, Net Zero thường liên quan đến một cam kết rộng lớn hơn, bao gồm cả việc đạt được sự cân bằng giữa phát thải và các biện pháp giảm phát thải; Net Zero có thêm khía cạnh “bù lại” bằng cách sử dụng các biện pháp như đầu tư vào dự án giảm phát thải, sử dụng kỹ thuật hấp thụ/giảm hoặc loại bỏ carbon, hoặc mua các đơn vị giảm phát thải (thường được gọi là tín chỉ carbon).

Mô hình thứ 4 là SBTi (Science Based Targets initiative). SBTi là mô hình nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải KNK được thiết lập bởi các tổ chức, theo nguyên tắc khoa học, để đảm bảo rằng mức giảm phát thải của họ đủ để giữ cho tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 oC so với mức tiền công nghiệp. Các mục tiêu này thường được xây dựng dựa trên các nghiên cứu khoa học về khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp lớn là nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu không carbon, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một nghiên cứu thống kê của Fortune trên nguồn dữ liệu của Natural Capital Partners cung cấp thông tin về cam kết của các doanh nghiệp vào năm 2019 cho thấy: Nhóm 500 công ty này có 70 triệu nhân viên, tạo ra hơn 33 tỷ USD và có hơn 38% doanh nghiệp có sự cam kết về mục tiêu khí hậu sẽ đạt được vào năm 2030 hoặc đã đạt được mục tiêu khí hậu vào thời điểm nghiên cứu.

Với quy mô và sự ảnh hưởng của nhóm công ty này, những hành động liên quan đến môi trường đã có nhiều tác động sâu sắc đến xu hướng thế giới về phát triển xanh, giảm phát thải KNK. Những hành động cam kết của các công ty lớn sẽ mang lại nhiều cơ hội, cũng như nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia vào các cam kết quốc tế.

Các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ là một mắt xích rất quan trọng và không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm tỷ lệ hơn 90% trên tổng số các loại hình doanh nghiệp; do vậy có vai trò vô cùng quan trọng đối với cam kết hành động về giảm phát thải KNK.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các cam kết và hành động để giảm phát thải KNK có tác động vô cùng lớn không chỉ cho các vấn đề khí hậu toàn cầu, mà còn có giá trị trực tiếp cho doanh nghiệp: giảm phát thải KNK trong tương lai, tăng uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp về thân thiện môi trường; tăng khả năng hội nhập vào thị trường thế giới với xu hướng mới - xu hướng của người tiêu dùng thân thiện môi trường; góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn hỗ trợ tài chính mới trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi nguồn nguyên vật liệu.

Những khuyến nghị ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có những cam kết quốc tế mạnh mẽ; đồng thời đã và đang có nhiều hành động cần thiết và rất ý nghĩa để thực thi các cam kết này ở góc độ vĩ mô, xây dựng chính sách, thể chế… 

Tuy nhiên, với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thực tế cho thấy đang có nhiều khó khăn và hạn chế khi tham gia hành động cam kết vì khí hậu. 

Cụ thể là chưa có nhiều văn bản hướng dẫn của pháp luật về các cam kết về giảm phát thải KNK cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa vẫn chưa xem nặng vai trò của mình trong các cam kết về KNK vì vẫn cho rằng với quy mô nhỏ thì sẽ không ảnh hưởng đáng kể; nguồn lực tài chính còn hạn chế nên chưa phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp; nguồn lực về con người có kiến thức đầy đủ và rõ ràng về giảm phát thải KNK vẫn thiếu.

Đặc biệt, đối với một chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa xác định được mục tiêu về phát thải KNK của các doanh nghiệp lớn, do đó họ gặp khó khăn về định hướng chiến lược trong tương lai về mục tiêu KNK của mình. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa nắm rõ được về xu hướng thay đổi của nhiều thị trường lớn về cam kết khí hậu (thuế biên giới Carbon CBAM của Liên minh châu Âu…).

Chính vì vậy, để nâng cao vai trò và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các cam kết và hành động vì mục tiêu khí hậu rất cần có nhiều biện pháp hỗ trợ: Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm giảm phát thải KNK; xây dựng, ban hành và phổ biến chính sách rõ ràng hơn đến các doanh nghiệp về mục tiêu quốc gia, mục tiêu giảm phát thải KNK; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế; tăng cường sự thông thương trao đổi mục tiêu hành động về khí hậu giữa các doanh nghiệp lớn trên thế giới với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thông qua các đối thoại trực tiếp, các buổi hội thảo quốc tế; cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hướng đến mục tiêu khí hậu chung.

Ngoài ra, mục tiêu phát triển nguồn lực có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực khí hậu trái đất nói chung phải được Chính phủ xem là một mục tiêu ở tầm quốc gia rất quan trọng, không chỉ tạo nguồn nhân lực cho công tác quản trị quốc gia mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức khác ngoài nhà nước; từ đó sẽ góp phần thực hiện hóa các hành động vì mục tiêu khí hậu chung của quốc gia và phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh nhiều thách thức trong cam kết hành động vì khí hậu, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển bền vững khi tham gia vào các hoạt động giảm phát thải KNK. 

Trong những năm gần đây, để phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong các hành động vì khí hậu, nhiều cơ quan ban ngành đã có những hoạt động trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu các quy định, cam kết hành động giảm phát thải KNK trong doanh nghiệp, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc chuyển đổi, nâng cao quy trình sản xuất thân thiện với môi trường,… 

Hiện nay, xu hướng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã nắm bắt được vai trò quan trọng của hành động vì mục tiêu giảm phát thải KNK, thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK như ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào hay đầu tư các dự án hấp thụ KNK như trồng rừng, với mục tiêu kép trong việc phát triển bền vững doanh nghiệp và đạt được mục tiêu chung của quốc gia trong hành trình đến Net Zero vào năm 2050. 

Tin Cùng Chuyên Mục