Hút vốn đầu tư
Nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang ưu tiên xem quản trị là tiêu chí chính khi quyết định đầu tư, phân bổ nguồn vốn vào doanh nghiệp.
Ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc Công ty quản lý quỹ Dynam Capital cho biết, trong 20 năm qua, giới đầu tư ở Việt Nam và thế giới đã thay đổi theo hướng từ lợi nhuận đến trách nhiệm. Nếu như trước đây nhà đầu tư khi xem xét một doanh nghiệp thì chỉ quan tâm đến chỉ số tài chính, tỷ suất lợi nhuận thì hiện nay họ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố trách nhiệm.
Thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch nhanh theo hướng này với hơn 5.345 nhà đầu tư có trách nhiệm, tổng vốn đầu tư 128.000 tỷ USD, gấp 250 lần GDP của Việt Nam. “Đã là nhà đầu tư có trách nhiệm thì việc đưa các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào quá trình quyết định đầu tư là đương nhiên”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Nhà đầu tư sử dụng bộ tiêu chuẩn để đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp với tiêu chí. Trong bộ khung sẽ có các nội dung cần đánh giá như cơ cấu của hội đồng quản trị (HĐQT), phân tách vai trò của chủ tịch HĐQT với tổng giám đốc, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập, vai trò của từng thành viên HĐQT…
Theo ông Thịnh, tuỳ từng nhà đầu tư, quỹ áp dụng bộ khung đánh giá khác nhau, nhưng với Dynam Capital, những thông tin liên quan đến ESG sẽ mang trọng số 50% ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Do đó, có những doanh nghiệp có chỉ số tài chính rất tốt nhưng không đáp ứng được tiêu chí của Dynam Capital.
Để đánh giá về một doanh nghiệp, những báo cáo định kỳ như báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững… đóng vai trò rất quan trọng đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Dynam Capital, các doanh nghiệp trong nước chưa làm tốt việc công bố thông tin. Đơn cử, Việt Nam hiện mới chỉ có 88 doanh nghiệp công bố báo cáo ESG, trong đó có 18 công ty có báo cáo riêng về phát triển bền vững và duy nhất một công ty có bên thứ ba chứng nhận báo cáo đó.
Đặc biệt, trong 1.600 công ty niêm yết thì chỉ có 88 công ty có báo cáo thường niên bằng tiếng anh. Bên cạnh kế toán chưa tiệm cận chuẩn quốc tế thì việc tuân thủ báo cáo định kỳ, báo cáo bằng đa ngôn ngữ đang là rào cản nhà đầu tư quốc tế đến với doanh nghiệp Việt.
Dưới góc độ là một công ty chứng khoán, có hoạt động môi giới cho các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho biết, các câu hỏi thường gặp hiện nay tập trung chủ yếu vào các yếu tố phi tài chính như pháp lý, quản trị doanh nghiệp.
Để chốt được một thương vụ thành công và giá cao, thì chỉ có những công ty nào có quản trị tốt mới đạt được. Do đó, ông Giang khuyến nghị doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn diện trên nhiều khía cạnh, không chỉ lợi nhuận, lợi ích cho cổ đông mà phải đáp ứng các tiêu chí ESG.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, công ty đã ý thức được việc đầu tư bài bản, có chiến lược dài hạn vào quản trị doanh nghiệp.
Với khát vọng trở thành doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón duy nhất của Việt Nam chinh phục thị trường khu vực và thế giới nên từ năm 2019, PVCFC đã có kế hoạch xây dựng nền tảng quản trị vượt trên sự tuân thủ. Tức là tuân thủ pháp luật, tuân theo bộ tiêu chuẩn của VIOD, ra quốc tế thì có bộ nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD.
Kết quả, PVCFC là một trong hai doanh nghiệp ở Việt Nam được tôn vinh giải thưởng quản trị vượt trên sự tuân thủ trong năm 2024. PVCFC cũng là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có báo cáo phát triển bền vững được bên thứ ba chứng nhận và có ý kiến của bên thứ ba.
Đó là những tiền đề giúp PVCFC hút vốn đầu tư, đạt được mục tiêu tăng trưởng 15% trong 5 năm qua. Đồng thời giúp PVCFC có nguồn lực để mua một công ty phân bón của Hàn Quốc.
Phát triển bền vững
Quản trị công ty hiệu quả giúp thúc đẩy tạo ra kết quả hoạt động, tài chính tốt hơn là tiền đề cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cổ đông.
Bà Kasturi Nathan, chuyên gia cao cấp về chiến lược, quản lý rủi ro và giao dịch Deloitte Đông Nam Á cho rằng, quản trị công ty hiệu quả giúp giảm thiểu rủi ro từ đánh giá chủ quan của nhà đầu tư, từ đó có nhiều khoản vay ưu đãi hơn.
Dưới góc độ là một tổ chức tín dụng, bà Nguyễn Thuý Hạnh, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, ngân hàng đã xây dựng văn hoá “tin” và được vận hành tại 150 thị trường đang hoạt động. Đó là, tin vào tính công bằng, tin vào quản trị rủi ro và tin vào đạo đức nghề nghiệp.
Với thị trường Việt Nam, khi Chính phủ đưa ra mục tiêu Netzero vào năm 2050, Standard Chartered Việt Nam cũng xây dựng bộ khung phục vụ cho việc phát triển tín dụng xanh.
Cụ thể, ngân hàng đã xây dựng bộ khung về sản phẩm bền vững, bộ khung về chuyển dịch xanh, bộ khung về trái phiếu bền vững. Những bộ khung này được Standard Chartered Việt Nam xây dựng dựa trên cơ sở danh mục phân loại xanh và bền vững theo chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).
Từ quan điểm của một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN nhìn nhận, trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với rủi ro chính trị, công nghệ mà còn rủi ro đến từ biến đổi khí hậu.
Trong thị trường nhiều biến động như vậy, bà My cho rằng, quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững không phải là điều kiện cần nữa mà là vấn đề sống còn. PAN hiện có 11.000 nhân viên với hơn 10 công ty thành viên, đa phần là công ty niêm yết với 68 thành viên HĐQT.
Điểm khác biệt nhất của thành viên HĐQT ở PAN cũng như các công ty thành viên là sự đa dạng về lĩnh vực, kinh nghiệm, lứa tuổi và cả giới tính.
Với sự đa dạng như vậy, theo bà My, “chìa khoá” để các thành viên HĐQT phát huy hết năng lực cống hiến cho doanh nghiệp là đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro hướng đến phát triển bền vững.
“Đây là hai việc mà lãnh đạo PAN luôn luôn đau đáu”, bà My nói và cho biết thêm, một doanh nghiệp được quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 20% và khi gọi vốn sẽ rẻ hơn 15%.
Do đó, trong chiến lược quản trị của PAN, việc đưa các nội dung phát triển bền vững vào các hoạt động của doanh nghiệp là vấn đề ưu tiên.
“Trong kỷ nguyên số, công nghệ thay đổi nhanh chóng, nếu HĐQT không có chiến lược quản trị phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thì sẽ tự đào thải. Những năm qua, PAN đã nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm mới, giống lúa chịu mặn, chịu ngập để khi xảy ra thiên tai không bị thiệt hại hoặc thiệt hại ít nhất”, bà My nhận định.