Trả lời PLVN bên lề Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp (DN), doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) tổ chức vừa diễn ra, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: Quá trình góp ý chính sách phát triển kinh tế với Đảng và Nhà nước cũng sẽ là quá trình cộng đồng DN Việt Nam định vị lại chính mình trong bối cảnh làn sóng cải cách lần thứ 2.
Là chủ thể thực thi chính sách kinh tế (KT) song xem ra đây là lần đầu tiên việc DN, doanh nhân được đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách được tổ chức một cách quy mô?
- Thực ra, DN, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển KT không phải là việc làm mới. Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng DN đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với DN hàng năm, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn DN, các hội đồng tư vấn chính sách, các tổ công tác… của Chính phủ đều có sự tham gia tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm của các doanh nhân. Đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và DN là một cơ chế phát huy quyền dân chủ có hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và thực thi chính sách ở Việt Nam và là cội nguồn quan trọng của những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới và cải cách ở nước ta…
Dù vậy, cuộc vận động “DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KT” được phát động lần này vẫn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới. Cuộc vận động này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ và chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII – một đại hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền KT Việt Nam.
Thực tế DN, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động; nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững như kỳ vọng… Ông có kỳ vọng gì về làn sóng cải cách lần thứ 2 này?
- Hơn 30 năm đổi mới với “làn sóng cải cách đầu tiên” chúng ta đã tạo nên kỳ tích, ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ KT kế hoạch hoá tập trung sang KT thị trường và cũng là mẫu hình thành công đưa một đất nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một nước có thu nhập trung bình (dù còn ở trình độ thấp).
Bây giờ, công cuộc đổi mới đang lan toả “làn sóng cải cách lần thứ 2” nhằm xây dựng được một nền KT thị trường hiện đại và đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn 2045, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 100 năm thành ngày thành lập nước.
Nhiệm vụ của “làn sóng cải cách lần thứ 2” chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi trên thế giới này, có nhiều quốc gia có thể thoát nghèo nhưng rất ít quốc gia có thể trở nên giàu mạnh. Hơn 30 năm cải cách đã qua là một hành trình chúng ta tập trung vào nhiệm vụ phát triển nền KT theo chiều rộng, đồng thời với quá trình “cởi trói”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, doanh nhân. Còn bây giờ, tầm nhìn 20 - 30 năm tới, sẽ là một hành trình kiến tạo, tạo thuận lợi, yểm trợ và thúc đẩy cho sự phát triển với chất lượng cao hơn của nền KT và các DN dựa trên các động lực và mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững…
Là tổ chức của cộng đồng DN Việt Nam, VCCI sẽ hưởng ứng cuộc vận động này như thế nào?
- Với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của đất nước, cộng đồng DN, thông qua tổ chức đầu mối là VCCI sẽ triển khai nghiêm túc cuộc vận động thông qua mạng lưới gần hơn 500 các hiệp hội DN, ở tất cả các ngành nghề, các địa phương và đơn vị. Quá trình góp ý chính sách với Đảng và Nhà nước cũng sẽ là quá trình cộng đồng DN Việt Nam định vị lại chính mình, thực hiện tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và quốc tế hoá, nâng cao đạo đức và văn hoá kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh hướng tới các chuẩn mực phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội.
Chúng tôi hy vọng những góp ý, kiến nghị của cộng đồng DN, trong thời gian tới, sẽ được các cơ quan Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách để tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò “bà đỡ” và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của DN, doanh nhân và nền KT nước nhà, để chúng ta lại một lần nữa có thể ghi danh trên bản đồ thế giới câu chuyện hoá rồng của Việt Nam khi nền cộng hoà dân chủ của chúng ta tròn tuổi 100…
Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!