Ngày pháp luật

Doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng: Không dễ giải thể!

Thanh Thanh

Liên quan đến việc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco, JSC) đăng ký kinh doanh (ĐKKD) với số vốn điều lệ “khủng” 144 nghìn tỷ đồng, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, DN này giải thể cũng không đơn giản…

Sau khi gây “bão” với số vốn điều lệ còn vượt xa vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), của cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng lại và chỉ “thua” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hành tung của những cổ đông sáng lập đã được làm rõ.

Trả lời báo chí, bà Kim Thị Phượng - một trong 3 cổ đông tham gia hành lập DN siêu khủng này - thật thà cho biết, mục đích ban đầu của bà Phượng nghĩ đơn giản chỉ là tham gia vào công ty để “tiện cho việc buôn nước khoáng”(!?) Bà Phượng cũng cho rằng hai cổ đông còn lại "say rượu, đăng ký nhầm". 

Doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng: Không dễ giải thể! - Ảnh 1
Trụ sở chính của DN có vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng (Ảnh: Bizlive)

Về phía Phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT cũng lên tiếng khẳng định, "rất khó có khả năng" nhầm lẫn, bởi khi ĐKKD, các cổ đông phải khai báo vốn điều lệ rất chi tiết, trên cơ sở số lượng cổ phần, mệnh giá cổ phiếu…

Động thái mới nhất, bà Kim Thị Phượng cũng đã cùng Luật sư đến Phòng ĐKKD của Sở KH&ĐT Hà Nội với mục đích huỷ bỏ việc thành lập công ty.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, đây là việc không phải “cứ muốn là được”.

Trao đổi với PLVN, Luật sư Đức cho biết, có 3 cách giải quyết cho trường hợp này: Thứ nhất, sửa lại Đăng ký DN do nhầm lẫn; Thứ hai, làm thủ tục giảm vốn; Thứ ba, giải thể DN.

Với hai cách đầu, Luật sư Đức cho rằng quy định không rõ, khó thực hiện; Giảm vốn thì phải sửa Điều lệ, ra Nghị quyết; Với cách thứ ba - giải thể DN, theo Luật sư Đức, DN chưa hoạt động có thể thông báo giải thể được. “Tuy nhiên, vẫn phải làm các thủ tục theo quy định, bởi khi DN thành lập sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ với những bên thứ ba. USC Interco đăng ký thành lập từ ngày 17/1/2020, tức đã hoạt động hơn 1 tháng. Do đó, khi một DN muốn rút khỏi thị trường, cần làm rõ họ có phát sinh nghĩa vụ nào với các bên khác hay không…”- Luật sư giải thích.

Bình luận về giải thích cho rằng người sáng lập DN có thể “say rượu, đăng ký nhầm”, Luật sư Đức khẳng định đây là nói đại, bởi khi làm thủ tục ĐKKD, DN phải trình Điều lệ công ty, và trong Điều lệ và danh sách cổ đông nộp để ĐKKD do cả 3 người ký tên, trong đó phải ghi rõ mức vốn điều lệ, với số tiền bằng chữ và số, nên không có chuyện một người say mà khai bừa. Không những thế, theo thông tin trên báo chí, thì nhân viên Phòng ĐKKD còn gọi điện để xác nhận lại số vốn điều lệ bất thường này.

Luật sư Công ty Luật BASICO cũng lưu ý, trường hợp này cũng là một thực tế để Luật DN sửa đổi tới đây có những điều chỉnh để không xảy ra những trường hợp “dở khóc, dở cười” như vậy…

Tin Cùng Chuyên Mục