Ngày pháp luật

Doanh nghiệp ‘chật vật’ ứng phó với chi phí xuất nhập khẩu tăng cao

Trung Hiếu

Nhiều chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu như giá nhiên liệu, phí tàu biển tăng cao, cùng với tình trạng thiếu container… khiến doanh nghiệp chật vật hơn trong giai đoạn phục hồi.

Chi phí tăng cao

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, cước vận tải và giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. “Hiện, giá cước vận chuyển hàng không từ Việt Nam đến Hoa Kỳ đã tăng từ 1,8 USD/kg tăng lên 18 USD/kg. Mức tăng lên tới 10 lần như vậy thì doanh nghiệp không chịu nổi. Trong khi chi phí logistics chiếm tới 20-25% nên bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ‘chật vật’ ứng phó với chi phí xuất nhập khẩu tăng cao - Ảnh 1

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20-25% GDP. Trong khi đó tại Thái Lan chỉ là 19%, Malaysia là 13%, Singapore 8% và Mỹ chỉ 7,7%. Chi phí logistics tăng cao đã làm cho chi phí hàng hoa của Việt Nam tăng theo làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á. Do đó, việc tìm giải pháp kéo giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết cho giai đoạn hiện tại để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, giá xăng dầu tăng liên tiếp và tăng nhiều trong thời gian qua, cũng như nguồn nguyên liệu tăng khiến doanh nghiệp đau đầu.

Thêm nữa, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao cũng khiến doanh nghiệp chật vật. Giá thức ăn chăn nuôi tăng, tất yếu sẽ khiến giá heo hơi tăng lên. “Toàn bộ các yếu tố đầu vào tăng khiến lợi nhuận của công ty giảm, ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ công nhân viên”, ông An nói.

Theo ông Trần Việt Huy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết khảo sát của tổ chức này cho thấy dù kinh tế đang hồi phục và quay trở lại nhịp sống bình thường nhưng gần 50% doanh nghiệp trong ngành vẫn còn suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn…

Theo ông Huy, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang thay đổi xu hướng thương mại toàn cầu. Bảo hộ thương mại đang diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia thay vì toàn cầu hóa giờ đây muốn đưa sản xuất về nước mình, tăng trừng phạt lẫn nhau. Đại dịch cũng đẩy mạnh thương mại điện tử, kéo theo cách phân phối khác với kênh truyền thống trước đây theo hướng tổ chức giải quyết đơn hàng lớn… Chuỗi cung ứng và chi phí logistics bị thay đổi, đội giá lên nhiều lần. 

Trong đó, thủ tục hành chính là một trong nhiều yếu tố làm chi phí tăng lên. Do đó, cần tăng cường đơn giản hóa thủ tục hải quan nhiều hơn, cải thiện vấn đề liên thông hệ thống hải quan với e-port của các cảng chính. 

"Cước phí tăng cao còn là câu chuyện cung cầu thị trường. Trong khi đó, các tuyến hàng container đều đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Dù cước phí tăng hiện nay là tình trạng chung trên thế giới nhưng cũng cho thấy nếu doanh nghiệp trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ khó loạn như hiện nay", ông Huy nhìn nhận. 

Tìm cách ‘kéo giảm’

Để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, theo ông Ông  Johnathan Hạnh Nguyễn cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. “Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao”. Ông  Johnathan Hạnh Nguyễn nêu kiến nghị.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) chỉ ra những nguyên nhân chủ quan cũng đang đẩy chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu lên cao. Theo ông, ngoài nguyên nhân do giá xăng dầu tăng, dịch bệnh… còn do cơ quan nhà nước chồng chéo trong quản lý, văn bản ban hành chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa am hiểu, chưa thay đổi phương thức ký kết hợp đồng; không tận dụng hết lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa, cải cách hành chính để cắt giảm thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. “Cơ quan hải quan tự nhận thấy còn một số điều trong công tác thực thi thủ tục ở cơ sở chưa thống nhất, kỹ năng xử lý hồ sơ trong giải quyết thủ tục của một số cơ quan hải quan, nhân viên hải quan còn hạn chế. Về phía các doanh nghiệp, kiến thức cũng như sự am hiểu về trình tự thủ tục hải quan, quy định liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa nắm rõ nên dễ dẫn đến vướng mắc”, ông Tám cho biết.

Là đơn vị hải quan quản lý địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm 50% thị phần lớn của cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đang có Đề án “Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”. Đề án này có mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Tin Cùng Chuyên Mục