“Là doanh nghiệp, phải biết lường trước rủi ro”
Thạc sĩ, doanh nhân Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam Singapore (VNS Capital) đang dẫn dắt ACM Holdings, mục đích đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thịnh vượng theo tầm nhìn 2030, cùng sứ mệnh lớn lao giúp các doanh nghiệp Việt Nam sánh vai với những doanh nghiệp quốc tế tại Singapore. Quỹ VNS Capital hoạt động với 4 lĩnh vực chính: Đào tạo các chuyên gia tư vấn đầu tư, cấp chứng chỉ “Nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp” theo mô hình tư vấn của Singapore; Tư vấn lộ trình IPO, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, công nghệ quản trị, nhân sự chiến lược và văn hoá doanh nghiệp; Môi giới đầu tư tài chính, môi giới quỹ, môi giới đầu tư, môi giới chứng khoán, bất động sản; Đầu tư doanh nghiệp, đầu tư mạo hiểm, đầu tư bền vững và đầu tư chiến lược.
Đa phần trong các doanh nghiệp ngày nay thường mắc phải rủi ro tài chính là chủ yếu, như rủi ro về thay đổi lãi suất, biến động giá cả, thất thoát về tài sản… Những rủi ro trong kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và quá trình tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp. Nếu thiệt hại của rủi ro đó quá lớn, doanh nghiệp có thể sẽ bị phá sản. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Trung Kiên, doanh nghiệp khởi nghiệp phải quản trị được rủi ro khi mình xác định tăng trưởng.
“Kinh tế đang trong chu kỳ nhiều thử thách, từ Covid-19 cho đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng chính trị ảnh hưởng đến giá dầu, giá vàng, giá đô la, nguyên vật liệu... Bản thân tôi cũng giúp cho rất nhiều các doanh nghiệp là đưa ra những phương án trước để phòng ngừa những cái rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, nếu như xảy ra thì mình đón nhận trong tâm thế đã chuẩn bị sẵn. Hãy xem khó khăn là một việc mà nghiễm nhiên phải đi qua và mỗi lần đi qua ta sẽ trở thành phiên bản tốt hơn” - ông Kiên chia sẻ.
Đề cập đến nhân lực tại ACM Holdings, ông Kiên cho biết doanh nghiệp sử dụng nhân sự giống người Singapore, đó là “cốt tinh hơn cốt đa”. Vì thế nên ACM không có nhiều nhân sự, nhưng họ đều là những chuyên gia và đem lại nhiều giá trị. Ở Singapore, 3 người có thể làm việc bằng 70 người Việt Nam, nên như vậy cũng là một hình thức để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chìa khóa để khởi nghiệp thành công
Theo doanh nhân Nguyễn Trung Kiên, vấn đề khởi nghiệp cần hội tụ nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi nằm ở bốn thành phần, bao gồm: Toàn cầu hóa; Liên tục học để có kiến thức thực tế; Tài chính trong doanh nghiệp và Thời gian khởi nghiệp.
Về điểm sáng trong năm 2024, ông Kiên chỉ ra rất rõ đó là vốn đầu tư FDI Việt Nam đang phát triển mạnh trở lại. Đất nước ta cũng đang chuẩn bị ký hợp đồng hợp tác chiến lược với năm 5 cường quốc lớn trên thế giới gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc và Nga. Nhờ vậy, những doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi được tháo gỡ những chính sách, về thuế, về các rào cản thương mại. Nên việc doanh nghiệp Việt cần có tư tưởng quốc tế hóa, khi dòng vốn nước ngoài đổ về Việt Nam nhiều tức là các nước lớn đang muốn hợp tác. Các doanh nghiệp không phải kinh doanh theo mô hình cá thể nữa mà phải nghĩ đến mình là một doanh nghiệp toàn cầu.
“Cuộc cách mạng 4.0 đã giúp sự kết nối giữa các nước dễ dàng tiện hơn, không ngại khoảng cách về địa lý. Câu chuyện toàn cầu hóa, theo tôi, chính là mình phải nghĩ đến việc toàn cầu vì dòng vốn nước ngoài đổ về Việt Nam quá lớn, đất nước ta chưa bao giờ ở vị thế các nước lớn họ hợp tác với mình, đấy là hướng đầu tiên cho các doanh nghiệp trẻ” - ông Kiên nhấn mạnh.
Với góc nhìn của mình, Chủ tịch VNS Capital cho rằng, bất kỳ một doanh nghiệp nào đều phải áp dụng tài chính trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Ở các nước phát triển, đặc biệt như Mỹ và Singapore, tài chính là nền móng để phát triển, còn sản xuất là thương mại chỉ là hiện thực hóa câu chuyện của sản phẩm tài chính. Ông Kiên đưa ra ví dụ về Grab, họ đang có hàng triệu xe đang chạy phục vụ nhưng Grab không sở hữu một chiếc xe nào, không mất một đồng tiền nào lại còn chiếm dụng được 100% nguồn vốn của những người chạy xe. Điều rất quan trọng là phải có kiến thức về tài chính - đó là điểm tiên quyết để họ có thể mang tên doanh nghiệp của mình lên.
Tiếp theo là câu chuyện về kiến thức thực tế và sự cộng hưởng trí tuệ. Kiến thức không ở đâu xa, chính từ những bài học của những CEO đi trước, những doanh nghiệp lớn đã từng thất bại, phải trả giá bằng xương máu, bằng tiền bạc là những điều vô cùng quý giá. “Khởi nghiệp trẻ quá không phải tốt, cho họ ý tưởng của sự khởi nghiệp và họ phải hợp tác với những người có kinh nghiệm thì mới có thể thành công. Mình khởi nghiệp với ý tưởng nào thì hợp tác với ông lớn trong lĩnh vực đấy, không lớn quá thì lớn nhỏ, không lớn nhỏ thì hơn mình cũng được, chắc chắn sẽ tốt hơn tự mình làm chủ” - Chủ tịch VNS Capital chia sẻ.
Cuối cùng, ông Kiên đề cập đến “thời gian” - thứ được ông đánh giá là một nguồn lực vô giá, nhưng để sử dụng và tận dụng thời gian là cả một quá trình. Doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường thì phải đào sâu, không nên vội vàng tìm kiếm khách hàng mở doanh nghiệp mà hãy đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng. “Thời gian có những thứ mình cần nhanh, có những thứ mình cần chậm, như sự chuẩn bị rất cần phải chậm, phải kỹ. Ví dụ như chạy xe ô tô có sự chuẩn bị về kỹ năng, tốc độ, bảo dưỡng xe thì tôi có đi nhanh vẫn an toàn hơn anh đi chậm mà chưa chuẩn bị kỹ càng. Thời gian là nguồn lực vô giá của con người, rất khan hiếm. Mỗi lần vấp ngã, chúng ta sẽ lại phải trả giá cho cú vấp đó, nên đi bước nào phải cố chắc được bước đấy” - doanh nhân Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường thì phải đào sâu, không nên vội vàng tìm kiếm khách hàng mở doanh nghiệp mà hãy đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng.