Ngày pháp luật

Doanh nghiệp bán lẻ lọt top tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Về khuyến nghị với Chính phủ, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam đặc biệt mong chờ, kỳ vọng khâu cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được triển khai, thúc đẩy.

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố bảng xếp hạng, cũng như khảo sát các doanh nghiệp trong nhóm FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020.

Theo đó, Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020 tiếp tục ghi nhận sự có mặt của những ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao. Cụ thể, doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống có tốc độ tăng 68,69%. Xếp sau là các doanh nghiệp bán lẻ với tốc độ tăng trưởng 66,7%. Đạt 66% tốc độ tăng trưởng là khối doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin. 

Trong ba năm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp FAST500 đều cho rằng sự tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là nguyên nhân chủ yếu tạo đà cho tăng trưởng của doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và phát triển các dòng sản phẩm mới.

Doanh nghiệp bán lẻ lọt top tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam - Ảnh 1
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020.

Khảo sát cũng cho thấy trong giai đoạn từ 2015-2019, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu kép trung bình lớn nhất là 30,1%.

Số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực này cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với tỷ lệ 74,2%. 

Đồng thời, trong 3 năm tới, ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin được đánh giá có tiềm năng "lên ngôi" cao nhất. Cùng với đó là các ngành Nông nghiệp sạch; Công nghệ sạch; Bán lẻ; Y tế – Dược phẩm.

Trong bối cảnh hiện tại, có tới 54,2% doanh nghiệp FAST500 cho rằng biến động thị trường do tác động của dịch bệnh Covid-19 là thách thức lớn nhất. 

41,7% doanh nghiệp e ngại về sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, rào cản về chi phí đầu vào tăng, thủ tục hành chính phức tạp, cũng như bất ổn trong môi trường kinh doanh lần lượt là ba mối lo được các doanh nghiệp đề cập tới.

Các doanh nghiệp FAST500 nhận định rằng sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, bao gồm Nỗ lực tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (79,2%); Cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng năng suất (66,7%); Giới thiệu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới (41,7%); Cắt giảm chi phí (39,6%).

Tuy nhiên, khảo sát nhấn mạnh rằng nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ không bao giờ trở lại tình trạng “bình thường” như trước đại dịch nữa, với sự nổi lên của các quan điểm phát triển mới, các xu hướng mới và luật chơi kinh tế mới.

Riêng đối với vấn đề nhân lực, do ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp FAST500 đang lựa chọn giải pháp chiến lược Tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp và Đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu nhằm tinh gọn bộ máy lao động thích ứng trong bối cảnh mới.

Về khuyến nghị với Chính phủ, các doanh nghiệp FAST500 đặc biệt mong chờ, kỳ vọng khâu cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được triển khai, thúc đẩy. 

Tin Cùng Chuyên Mục