Điều kiện chung
Nghị định quy định cơ sở đào tạo lái xe là loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc cơ sở giáo dục.
Nhân lực của cơ sở đào tạo gồm: Người đứng đầu cơ sở đào tạo; các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; các tổ bộ môn; các đơn vị phục vụ đào tạo.
Tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô
Người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô là hiệu trưởng hoặc giám đốc đại diện cho đơn vị trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đủ các tiêu chuẩn gồm:
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;
- Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Điều kiện về giáo viên
Nghị định quy định cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, dạy thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Nghị định này.
Cơ sở đào tạo phải có số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng kế hoạch sử dụng các xe tập lái dùng để đào tạo.
Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật
- Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích sử dụng hợp pháp tối thiểu là 1.000 m2.
- Hệ thống phòng học chuyên môn
a) Phòng sử dụng học lý thuyết: có các trang thiết bị làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về các nội dung: pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông và phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ; trường hợp, các thiết bị công nghệ thông tin chưa mô tả hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình, thì phải có hệ thống tranh vẽ. Diện tích phòng học không nhỏ hơn 48 m2/phòng;
b) Phòng sử dụng học kỹ thuật ô tô: có các thiết bị công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe, kiến thức mới về nâng hạng; có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực và hệ thống điện; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát; có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng; có cabin học lái xe; trường hợp, các thiết bị công nghệ thông tin chưa có sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...), thì phải có hệ thống tranh vẽ; diện tích phòng học không nhỏ hơn 100 m2/phòng. Trường hợp, mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống điện; khu vực hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát; xe ô tô để tập số nguội, số nóng; cabin học lái xe ô tô được bố trí ở khu vực riêng biệt thì diện tích phòng học không nhỏ hơn 48 m2/phòng;
c) Hệ thống phòng học chuyên môn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng sử dụng học kỹ thuật ô tô phù hợp với lưu lượng, hình thức và chương trình đào tạo; số lượng phòng học tính theo lưu lượng học viên; được xác định theo nguyên tắc 01 phòng sử dụng học lý thuyết và 01 phòng sử dụng học kỹ thuật ô tô đáp ứng tối đa lưu lượng 500 học viên.
- Xe tập lái
a) Cơ sở đào tạo phải có xe tập lái của các hạng được phép đào tạo, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng phải bảo đảm số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe;
b) Xe tập lái các hạng phải sử dụng các loại xe tương ứng với hạng giấy phép lái xe quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó: xe tập lái hạng B gồm xe sử dụng loại chuyển số tự động (bao gồm cả ô tô điện) hoặc chuyển số cơ khí (số sàn); xe tập lái hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE sử dụng loại chuyển số cơ khí (số sàn);
c) Ô tô tải sử dụng để làm xe tập lái hạng B phải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 2.500 kg đến 3.500 kg với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo;
d) Xe tập lái được gắn 02 biển “TẬP LÁI” trước và sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này; có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe; xe tập lái trên đường giao thông có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên; xe tập lái loại ô tô tải thùng có mui che mưa, che nắng, ghế ngồi cho học viên; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực;
đ) Xe mô tô ba bánh để làm xe tập lái cho người khuyết tật là xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe;
e) Xe ô tô hạng B số tự động được dùng làm xe tập lái cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái; xe ô tô hạng B số tự động dùng làm xe tập lái cho người khuyết tật ngoài việc đáp ứng các quy định tại điểm a, điểm d khoản này còn phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ô tô hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới xác nhận hệ thống điều khiển của xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn.
- Sân tập lái xe
a) Thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng sân sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng sân sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng chỉ được tính tối đa không quá 01 sân tập lái để tính lưu lượng đào tạo;
b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng sân tập lái phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; số lượng sân tập lái tính theo lưu lượng học viên; được xác định theo nguyên tắc 01 sân tập lái ô tô đáp ứng tối đa lưu lượng 1.000 học viên;
c) Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, bảo đảm diện tích để bố trí đủ các bài học theo nội dung chương trình đào tạo đối với các hạng xe dùng để đào tạo; việc bố trí hình và kích thước các bài tập lái xe ô tô tổng hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng và phải được bó vỉa;
d) Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường;
đ) Có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.