Thưa ông, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn và thách thức như năm 2021, công tác điều hành tín dụng các ngành, lĩnh vực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được những thành tựu cơ bản nào?
Với các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đến nay tín dụng nền kinh tế đã đạt gần 10,39 triệu tỷ, tăng trưởng 12,97%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ. Theo đó, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 8,5%; Tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 13,8%; Tín dụng ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 14,5%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên: Tín dụng nông nghiệp nông thôn ước tăng 13,5%; Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ước tăng 11,98%; Tín dụng xuất khẩu ước tăng 13,32%; Tín dụng công nghiệp hỗ trợ ước tăng 21,52%; Tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước tăng 19,2%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: Tín dụng lĩnh vực chứng khoán và BOT, BT chiếm tỷ trọng nhỏ so với nền kinh tế (0,59% và 1,04%). Dư nợ chứng khoán tập trung phần lớn vào chứng khoán ít rủi ro (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, chiếm 78,5%), dư nợ BOT, BT tiếp tục giảm so với 2020; Tín dụng bất động sản phần lớn phục vụ nhu cầu về nhà ở, cho mục đích tự sử dụng (chiếm 65,8%).
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực triển khai. Từ khi bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, lũy kế tổng giá trị nợ các TCTD đã cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là trên 600.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 3,87 triệu tỷ đồng; Tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng gần 35.000 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho trên 1,3 triệu khách hàng; Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền hơn 2.011 tỷ đồng đối với 2.333 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 530.474 lượt người lao động.
Trong năm 2022, định hướng chung của Quốc hội và Chính phủ đối với nền kinh tế là phục hồi và phát triển bền vững. Việc điều hành tín dụng ngành, lĩnh vực sẽ theo định hướng, giải pháp nào để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
Trong năm 2022, NHNN sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng ngành, lĩnh vực cụ thể: Điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững; Tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Phối hợp các Bộ, ngành trong xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023…
Xin ông cho biết các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” và phát triển tín dụng khu vực nông thôn?
Triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Thời gian tới, toàn ngành ngân hàng sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; Hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp;
Chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp đặc biệt khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Chỉ đạo các Công ty tài chính tiêu dùng có chính sách lãi suất phù hợp, công khai minh bạch lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp thu hồi nợ bảo đảm đúng quy định pháp luật; Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất…
Xin cảm ơn ông!