Bitcoin giờ đây thường được coi là một loại vàng điện tử, bởi đồng tiền mã hóa này sở hữu tính chất giống vàng: không thể tạo ra một cách đơn giản mà bắt buộc phải “khai thác”.
Những người “đào” Bitcoin được gọi là “thợ mỏ”. Trong thực tế, những cỗ máy đào sẽ tính toán để giải mã một giao dịch bằng Bitcoin đã thực hiện trước đó, và lưu vĩnh viễn thông tin giao dịch đó vào khối, tạo thành chuỗi khối (blockchain).
Sau khi hoàn thành một khối, một lượng Bitcoin nhất định sẽ là phần thưởng cho những máy tính tham gia quá trình xác thực.
Bao giờ hết Bitcoin mới được tạo ra?
Bitcoin cũng có giới hạn về mặt số lượng. Ngay từ khi tạo ra Bitcoin, lập trình viên bí ẩn Satoshi Nakamoto đã quy định sẽ chỉ có 21 triệu Bitcoin có thể khai thác. Để đảm bảo con số này, trung bình cứ 10 phút thì một khối mới trong chuỗi khối sẽ được tạo ra.
Bên cạnh đó còn có một quy tắc khác được gọi là Bitcoin halving. Cứ sau 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm, lượng Bitcoin là phần thưởng cho việc tạo khối sẽ bị giảm đi một nửa.
Ban đầu, cứ mỗi khối hoàn thành thì phần thưởng là 50 Bitcoin. Đến tháng 5/2020, lần halving thứ ba, chỉ còn 6,25 Bitcoin dành tặng cho mỗi khối. Như vậy, tốc độ tạo ra Bitcoin mới sẽ ngày càng chậm.
Theo Investopedia, đến cuối tháng 12/2020 đã có khoảng 18,5 triệu Bitcoin được tạo ra, và chỉ còn khoảng gần 3 triệu Bitcoin trong tương lai. Tuy nhiên, lượng Bitcoin còn tồn tại và lưu hành là ít hơn, bởi gần 20% đã bị mất khi người dùng đánh mất khóa bí mật hoặc ổ cứng lưu trữ.
Do quy tắc Bitcoin halving, gần 3 triệu Bitcoin còn lại sẽ mất một thời gian rất dài để “đào” hết. Trong khi 18,5 triệu Bitcoin ban đầu được đào trong hơn 10 năm, thì đồng Bitcoin cuối cùng có thể tạo ra sẽ rơi vào khoảng năm 2140, tức là hơn 100 năm nữa.
Tương lai của những thợ đào Bitcoin
Vậy sau khi đồng Bitcoin cuối cùng đã được đào, liệu những “thợ mỏ” có còn tiếp tục đào Bitcoin không? Theo Investopedia, câu trả lời là có.
Bên cạnh việc được thưởng Bitcoin mỗi khi hoành thành một khối, thì những thợ mỏ còn được thanh toán chi phí xử lý và xác thực giao dịch. Con số này hiện nay rất nhỏ, chỉ vài trăm USD/khối, không đáng là bao so với giá trị Bitcoin. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn, giá xử lý giao dịch có thể tăng gấp nhiều lần.
Nói cách khác, mục tiêu của những thợ đào Bitcoin bây giờ là số Bitcoin được thưởng sau khi hoàn thành mỗi khối. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn được tạo ra nữa, thì phần thưởng cho việc hoàn thành khối Bitcoin chính là mức phí giao dịch. Chừng nào còn giao dịch mua, bán Bitcoin, thì những khối mới sẽ được tạo ra, và thợ đào sẽ còn được nhận tiền.
Satoshi Nakamoto cũng đã hình dung đến viễn cảnh này, khi viết trong sách trắng về Bitcoin.
“Khi lượng tiền mã hóa xác định từ đầu đều đã được lưu thông, thì phần thưởng sẽ chuyển đổi hoàn toàn thành phí giao dịch và sẽ không hề có lạm phát”, lập trình viên bí ẩn này khẳng định.
Tuy nhiên, đó là tương lai hơn 100 năm nữa. Cứ mỗi 4 năm, lượng Bitcoin được tạo ra sẽ càng giảm đi, tương ứng với số tiền mà mỗi thợ mỏ nhận được cũng ít đi. Có thể phần thưởng đối với họ sẽ không còn đủ hấp dẫn, và rất nhiều thợ mỏ sẽ từ bỏ từ trước đó.
Với “con buôn” Bitcoin, những người chỉ giao dịch để kiếm lời, thì việc lượng Bitcoin giới hạn sẽ là tin mừng cho họ. Bitcoin càng khan hiếm, giá của mỗi đồng sẽ càng cao.
Trong thực tế, sau cả 3 lần halving gần nhất, diễn ra vào tháng 11/2012, tháng 7/2016 và tháng 5/2020 thì giá Bitcoin đều tăng cao chỉ trong khoảng 1 năm, chạm các cột mốc 1.000 USD, 19.000 USD và gần nhất là 40.000 USD.
Link bài gốc