Cú gục ngã cho giấc mơ "kỳ lân"
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định chuyển cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 385,33 tỷ đồng và tiếp tục âm 181,59 tỷ đồng năm 2020, qua đó đẩy khoản lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2020 hơn 219 tỷ đồng.
Theo đó, cổ phiếu YEG sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Thời gian áp dụng từ ngày 12/4/2021. Sau thông tin trên, cổ phiếu YEG trên thị trường tiếp tục trượt sâu thủng đáy Covid hồi tháng 4 năm ngoái.
Hiện cổ phiếu này đã rơi xuống dưới 32.000 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” 90% so với đỉnh và là mức thấp nhất kể từ khi lên sàn tháng 7/2018.
Nhìn lại thời điểm YEG chào sàn với mức giá “trên trời” 250.000 đồng/cổ phiếu, vượt mặt hàng loạt tên tuổi như Sabeco, Vinamilk..., ít nhà đầu tư có thể tưởng tượng đến viễn cảnh cổ phiếu này lại “chật vật” dò đáy như hiện nay.
Được thành lập vào tháng 9/2006 với mức vốn ban đầu là 500 triệu đồng, Yeah1 khởi đầu là trang thông tin điện tử với tên miền: www.yeah1.com. Trang web này chuyên được xây dựng với mục đích tiếp cận cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ. Theo giới thiệu, doanh thu ban đầu của YEG chỉ vỏn vẹn 150 USD cùng xấp xỉ 40.000 lượt xem.
Chỉ sau 2 năm thành lập, Yeah1 trở thành trang thông tin giải trí lớn nhất Việt Nam với hơn 400.000 người dùng. Cùng năm đó, YEG thành lập kênh truyền hình giải trí Yeah1TV, chính thức mở rộng mạng lưới hoạt động vào lĩnh vực truyền hình.
Năm 2010, YEG mở thêm 2 kênh truyền hình mới, lấn sân vào thị trường của những bà nội trợ và hộ gia đình với Yeah1Family và iMovieTV.
Năm 2015, YEG bắt tay với Youtube để cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo trên Youtube. Từ đây, YEG bắt đầu có những đột phá trong phát triển và tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ khi bắt tay với Google tại Việt Nam và Đông Nam Á qua việc mua và kiểm soát 51% quyền sở hữu của Netlink - đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang điện tử trên toàn thế giới vào năm 2017.
Sau hơn 10 năm, YEG tăng vốn điều lệ gần 274 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông khá cô đặc và doanh thu chạm mức 37 triệu USD và tăng tốc cho ước mơ "kỳ lân" đổi đời.
Kinh doanh “bết bát” sau sự cố với YouTube
Sự cố bất ngờ với YouTube vào tháng 3/2019 được cho là nguồn cơn chính dẫn đến đà trượt dốc không phanh của YEG.
Sự cố “nhỏ” theo như lời tuyên bố của CEO Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - lãnh đạo Yeah1 đã khiến doanh nghiệp truyền thông này phải thay đổi chiến lược phát triển không còn phụ thuộc vào 1 đối tác như trước đây.
Dù vậy, hơn 2 năm sau lời hứa sẽ sớm trở lại, Yeah1 với trọng tâm thương mại truyền thông cùng hệ sinh thái Giga1 vẫn chưa đạt được kết quả nào thực sự đáng kể.
Năm 2020, Yeah1 lỗ ròng gần 180 tỷ đồng do hoạt động đã mở rộng hệ sinh thái truyền thông đang có sang hệ sinh thái tiêu dùng.
Yeah1 cho biết, công ty cần nguồn lực để đầu tư ban đầu vào hàng hóa, nhân sự và các chiến lược kinh doanh dẫn đến gia tăng chi phí. Mảng kinh doanh mới vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường, đối tác, dù đã có doanh thu nhưng vẫn chưa thể bù đắp chi phí trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, Yeah1 đã thực hiện dự phòng hàng tồn kho nhằm phục vụ các chiến lược kinh doanh năm 2021, việc này khiến phần lớn nguồn vốn đầu tư chưa thể thu hồi.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, HĐQT Yeah1 dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế, tương tự như năm 2020 để tập trung phát triển mảng kinh doanh mới.
Yeah1 đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ở mảng truyền thống (digital) trên 20% trong khi với mảng thương mại tiêu dùng, Yeah1 kỳ vọng thị trường tiêu dùng có thể phục hồi trong năm 2021 nhờ sức mua được cải thiện hậu Covid. Nếu tiếp tục không có lãi trong năm 2021, không loại trừ cổ phiếu YEG sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc.