Cổ phiếu giảm sàn
Chốt phiên giao dịch sáng 11/10, cổ phiếu GKM của CTCP GKM Holdings (GKM Holdings - HNX: GKM) ghi nhận lao dốc mạnh từ vùng 40.600 đồng/cp đầu tháng 8 tiếp tục giảm về mức 8.800 đồng/CP.
Hồi cuối tháng 9, giải trình về việc cổ phiếu liên tục giảm sâu, ban lãnh đạo GKM Holdings cho biết diễn biến tăng giảm của cổ phiếu GKM hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán, nhu cầu, tâm lý và đánh giá của nhà đầu tư.
GKM Holdings cũng nhấn mạnh “Công ty không có bất kỳ sự can thiệp, tác động hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu trong suốt thời gian qua”.
Trước chuỗi giảm hết biên độ, GKM là mã cổ phiếu ổn định trên sàn HNX. Trong hơn 1 năm trở lại đây, GKM luôn duy trì mức nền ổn định từ 34.000 – 35.000 đồng/CP. Đáng chú ý, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng trước khi điều chỉnh sâu, cổ phiếu này chốt phiên 2/8/2024 đạt 40.600 đồng/CP – vùng giá cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trước đó, vào ngày 12/09, HĐQT GKM đã ra Nghị quyết lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản về phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 24 tháng, tương ứng ngày đáo hạn là 20/09/2026. Thời hạn cuối cùng để trái chủ gửi trả lời phiếu lấy ý kiến là 9h ngày 18/09 – cũng là ngày cổ phiếu GKM bắt đầu bị bán mạnh.
Theo dữ liệu từ HNX, GKMH2124001 là trái phiếu duy nhất đang lưu hành của GKM, phát hành ngày 20/09/2021, giá trị huy động 100 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính và đầu tư dự án nhà máy nhôm Khang Minh tại tỉnh Hà Nam.
Trái phiếu phân bổ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có kỳ hạn ban đầu là 36 tháng đến 20/09/2024, lãi suất 12,6%/năm, thanh toán mỗi 3 tháng. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng 7 triệu cổ phiếu GKM. Hiện tại, giá trị lưu hành của lô trái phiếu này còn 44,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào ngày 20/06/2024, HĐQT GKM thông qua phương án phát hành 449 trái phiếu riêng lẻ mới với mã GKMH2427001, mệnh giá 100 triệu đồng, lãi suất là 11%/năm và cố định cho toàn bộ kỳ hạn trái phiếu. Giá trị huy động tối đa không quá 44,9 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ của Công ty. Thời gian phát hành dự kiến trong quý II/2024.
Tuy nhiên, đến nay chưa thấy Công ty thông báo tình hình triển khai phương án này. Giá trị 44,9 tỷ đồng GKM muốn huy động cũng bằng đúng giá trị lưu hành của lô trái phiếu GKMH2124001. Có khả năng, GKM chưa thực hiện được phương án phát hành mới nên đã thay thế bằng phương án xin ý kiến trái chủ kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu GKMH2124001 thêm 2 năm.
Mối quan hệ ít biết giữa Chứng khoán APG và GKM Holdings
GKM Holdings thành lập vào tháng 9/2010, tiền thân là CTCP Khang Minh Group. Ban đầu, công ty hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gạch không nung xi măng cốt liệu, chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nam, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đến năm 2017, công ty thực hiện niêm yết lên sàn chứng khoán HNX với mã là GKM.
Năm 2023 là một năm đánh dấu bước chuyển mình lớn của công ty. Theo đó, các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã thông qua loạt nội dung quan trọng như đổi tên công ty thành GKM Holdings như hiện tại, tái cấu trúc theo mô hình “Holdings Company”, đặc biệt là chuyển hướng ngành nghề kinh doanh chính sang lĩnh vực đầu tư, cụ thể là “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu”.
Sự hình thành và phát triển của GKM Holdings gắn liền với ông Đặng Việt Lê – Chủ tịch HĐQT công ty. Sinh năm 1974, trước khi có sự nghiệp kinh doanh riêng tại GKM Holdings, ông Lê từng là nhân viên tại Đại lý hàng hải Hải Phòng (giai đoạn tháng 7/1997 – tháng 9/1999), sau đó là Giám đốc tại Công ty TNHH Thiên Phong (tháng 5/2001- tháng 3/006) và Công ty Thiết bị điện Tam Kim (tháng 4/2006 – tháng 9/2010). Tính đến giữa năm 2024, ông là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ nắm giữ là 10,7%, xếp sau CTCP Chứng khoán APG (16,08%) – một đối tác thân thiết của GKM Holdings.
Vai trò của Chứng khoán APG với GKM Holdings không dừng lại ở nhà đầu tư tài chính đơn thuần. Điều này thể hiện ở lô trái phiếu mã GKMH2124001 (phát hành tháng 9/2021), với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất trái phiếu 12,6%/năm. Chứng khoán APG là bên đứng ra phát hành và lưu ký trái phiếu, đồng thời cũng là bên sở hữu trái phiếu.
Tại thời điểm cuối quý II/2024, sau nhiều lần GKM Holdings mua lại trái phiếu trước hạn, Chứng khoán APG nắm 44,15 tỷ đồng trái phiếu (dư nợ còn lại là 44,9 tỷ đồng). Liên quan đến lô trái phiếu này, HĐQT GKM Holdings vào tháng 9/2024 đã có Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Người sở hữu trái phiếu về việc thông qua phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 là 2 năm (24 tháng).
Trước đó, vào tháng 6/2024, GKM Holdings cho biết sẽ phát hành trái phiếu riêng lẻ mã GKMH2427001 với tổng giá trị không vượt qua 44,9 tỷ đồng. Mức lãi suất danh nghĩa dự kiến là 11%/năm. Chứng khoán APG tiếp tục tham gia với vai trò tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, và đại diện người sở hữu trái phiếu (theo công bố của tổ chức phát hành) tiếp tục là Chứng khoán APG.
Mối quan “thân thiết” giữa 2 bên còn thể hiện ở chi tiết Chứng khoán APG là đơn vị tổ chức tư vấn niêm yết cho GKM Holdings thời điểm lên sàn HNX năm 2017; và là bên tư vấn chào bán cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của GKM Holdings hồi đầu năm 2018.
Chưa dừng lại ở đó, ảnh hưởng của Chứng khoán APG còn thể hiện ở loạt giao dịch khoản phải thu và trả trước cho người bán ngắn hạn trên BCTC của GKM Holdings. Theo đó, tại ngày 30/6/2024, GKM Holdings ghi nhận 37,5 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng với CTCP APC Holdings; 17,5 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn với Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực ANGIMEX và 36,8 tỷ đồng với CTCP Đầu tư và Phát triển Xuất nhập khẩu An Khang.
Đáng chú ý, GKM Holdings tại thời điểm cuối quý II/2024 còn góp vốn tại nhiều pháp nhân liên hệ đến Chứng khoán APG, như CTCP ECO HT (góp 85,5 tỷ đồng), CTCP APG Eco Hòa Bình (54 tỷ đồng), CTCP Power Trade (60 tỷ đồng), CTCP APG Energy Nghệ An (48,6 tỷ đồng). Tổng giá trị các khoản góp vốn này là hơn 248,1 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản GKM Holdings.