Bộ Tài chính cho rằng, để thực hiện được điều này, theo quy định của hầu hết các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài thì việc trình bày thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế là điều kiện bắt buộc.
Đây là vấn đề được nêu lên trong dự thảo tờ trình Chính phủ về “Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam”.
Cụ thể hơn, theo thống kê, đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) dưới các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, Bộ Tài chính đã ban hành 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tuy nhiên, cơ quan chức năng thừa nhận, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới.
Chuẩn mực của Việt Nam hiện thiếu rất nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như các chuẩn mực về nông nghiệp, về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, về nhóm công cụ tài chính phái sinh, về giá trị hợp lý, về tổn thất tài sản,….
Điều đó dẫn đến việc khi các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này thì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện hạch toán kế toán.
Việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế theo Bộ Tài chính sẽ giúp tăng cường niềm tin và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, chủ nợ và công chúng.
IFRS yêu cầu thông tin được công bố phải tập trung phản ánh được diễn biến của thị trường tại thời điểm báo cáo thông qua việc đánh giá lại giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi của tài sản và nợ phải trả… chứ không phải chỉ là các thông tin quá khứ tại thời điểm phát sinh giao dịch (giá gốc).
"Vì vậy cơ quan Nhà nước phải tiếp cận thông tin dựa trên việc đánh giá lại tài sản và nợ phải trả tại thời điểm báo cáo theo các mô hình định giá tin cậy chứ không phải chỉ căn cứ vào hóa đơn tại thời điểm phát sinh giao dịch" Bộ Tài chính nêu lên.
Tuy vậy, điều lo lắng là do IFRS hướng đến việc trình bày tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp theo giá trị thị trường tại thời điểm báo cáo nên để làm được điều này đòi hỏi thị trường phải tương đối phát triển.
Trong khi ấy, thị trường Việt Nam hiện nay mới cung cấp được một số thông tin cơ bản, như giá cổ phiếu niêm yết, giá giao dịch các mặt hàng nhiên liệu, nông sản... Một số thông tin khác như giá trị đất đai, tài nguyên còn có sự khác biệt lớn giữa giá công bố của Nhà nước và giá giao dịch thực tế.
Việc áp dụng IFRS đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam theo đánh giá có thể gặp một số khó khăn nhất định trong ngắn hạn.
Bởi vậy, theo dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính tính toán chia lộ trình áp dụng IFRS thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2022 đến 2025; Giai đoạn 2 từ sau 2025.
Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025 sẽ hướng đến việc cho phép doanh nghiệp tự nguyện áp dụng. Theo đó những doanh nghiệp lớn đã có nền tảng và đủ điều kiện về nguồn lực sẽ áp dụng IFRS trước để rút kinh nghiệm chung cho các doanh nghiệp khác.
Giai đoạn 2 sau năm 2025, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1 sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng vừa có đối tượng bắt buộc, vừa có đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS.