Là một người nghiên cứu chuyên sâu về các vụ án TN, trong đó có những vụ án kinh tế lớn. Xin TS cho biết: Nguyên nhân sâu xa của các vụ việc bắt nguồn từ đâu?
Mặc dù TN, tiêu cực là lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), DN là chủ thể chịu ảnh hưởng, hậu quả khá nặng nề từ vấn nạn này nhưng thực tế cho thấy, nhiều DN chưa nhận thức được đầy đủ tác hại của TN, tiêu cực và vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Nhiều DN còn thỏa hiệp với TN, tiêu cực. Việc thỏa hiệp này xuất phát từ những khó khăn trong quá trình DN thực hiện các thủ tục hành chính và họ không nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhất là sự hỗ trợ của các yếu tố đầu vào, các nguồn lực quan trọng như đất đai, tài nguyên, vốn…
Cùng với việc thiếu kiến thức, hiểu biết về các cơ chế, biện pháp phòng ngừa và đối phó với TN, tiêu cực, nhiều DN không chỉ thỏa hiệp với TN, tiêu cực mà còn lợi dụng TN, tiêu cực để phát triển và họ đã chủ động tiếp cận với cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn, có thẩm quyền, tạo nên các “nhóm lợi ích” để thao túng chính sách và trục lợi.
Thêm vào đó, pháp luật về PCTN, tiêu cực và thể chế quản lý kinh tế - xã hội nói chung, PCTN, tiêu cực trong DN nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện. Mặc dù Luật PCTN và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về vai trò của DN trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa TN, tiêu cực nhưng chưa có cơ chế để xác định trách nhiệm pháp lý của DN trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp này theo quy định. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP có đề cập đến vấn đề thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của các DN trong việc thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, khi phát hiện ra sai phạm, cơ chế xử lý trách nhiệm trong Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh chưa đủ mạnh, đủ hiệu quả; Pháp luật về văn hóa liêm chính trong kinh doanh của DN chưa thật sự phát huy được giá trị văn hóa trong PCTN, tiêu cực. Trong khi đó, hiện nay, nhiều Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Hiệp hội ngành nghề... chưa ban hành các quy định hướng dẫn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức kinh doanh; Xây dựng và áp dụng các chuẩn mực về quản trị DN, đặc biệt là các chuẩn mực về công bố và minh bạch thông tin, quản lý rủi ro; Hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của bộ phận kiểm soát nội bộ tại DN, việc xử lý tình huống xung đột lợi ích trong DN; Hướng dẫn, tập huấn, tư vấn đối với DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Phối hợp với cơ quan Nhà nước tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin cho DN, tổ chức phục vụ công tác PCTN, tiêu cực.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực đối với các DN chưa được các cơ quan thanh tra quan tâm thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là theo quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật gần đây như Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ.
Qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc nêu trên, theo TS đâu là giải pháp giúp diệt trừ tận gốc mầm mống các sai phạm?
Giải pháp thì có nhiều nhưng theo tôi để diệt trừ tận gốc mầm mống các sai phạm, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật nhằm xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đúng luật, nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh cho các DN.
Cụ thể: Thứ nhất, Cần tiếp tục hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với các DN không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp phòng ngừa TN tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Có quy định pháp luật bắt buộc đối với tất cả các loại hình DN phải xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa TN. Trong điều lệ, quy chế hoạt động DN, tổ chức kinh tế có trách nhiệm quy định về cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và các hành vi TN, tiêu cực khác. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay thì việc xây dựng quy chế kiểm soát và quản trị nội bộ luôn cần được DN quan tâm thực hiện, bởi lẽ ngoài mục tiêu nhằm phòng ngừa TN, tiêu cực, quy chế kiểm soát và quản trị nội bộ còn xây dựng tính liêm chính trong kinh doanh, tăng cường minh bạch trong tổ chức và hoạt động của DN, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu TN, tiêu cực, người đứng đầu DN, tổ chức kinh tế phải xử lý theo quy định của điều lệ, quy chế hoạt động của DN, tổ chức kinh tế. Nếu vụ việc phức tạp thì phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xác minh, kết luận, xử lý hành vi TN; Trường hợp hành vi TN có dấu hiệu tội phạm thì phải thông báo cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. DN, tổ chức kinh tế có trách nhiệm thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ và hành vi TN khác của cán bộ, công chức, viên chức; Phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi đó.
Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực trong các DN, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của DN, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là TN trong các DN.
Theo đó, phải kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không TN, tiêu cực trong DN. Đó là ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; Chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; Xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; Phê phán, lên án, tích cực đấu tranh PCTN, tiêu cực; Trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân TN, lãng phí. Minh bạch, lành mạnh, công bằng, trách nhiệm là những chuẩn mực giá trị để tạo nên đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh của DN. DN cũng cần nhận thức rõ rằng, chính mối quan hệ không bình thường giữa DN với những người có chức, có quyền sẽ làm tổn hại về lợi ích lâu dài của các DN, làm gia tăng chi phí trong sản xuất, kinh doanh cũng như đẩy DN đứng trước nhiều rủi ro…
Thứ ba, DN cần tích cực tham gia phản biện xã hội, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện, tố cáo và xử lý các hành vi TN, tiêu cực. DN cần chủ động tham gia phản biện các chủ trương chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, phát hiện những điểm bất cập, sơ hở của cơ chế chính sách. Những điểm không rõ ràng có thể dẫn đến cơ hội cho sự lợi dụng sách nhiễu, vòi vĩnh đòi hối lộ, tạo lập được các thiết chế pháp luật minh bạch chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh phát triển lành mạnh và ổn định.
Bên cạnh đó, DN cần xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý TN, tiêu cực. Đây là một vấn đề khó do bản thân mỗi DN thường không muốn phá vỡ các mối quan hệ với các cơ quan công quyền vì họ cho rằng khi tố cáo các hành vi TN, họ lo ngại sẽ bị những bất lợi từ phía các cơ quan công quyền, “đấu tranh thì tránh đâu”. Hoặc nếu tự phát hiện và tố cáo các hành vi tiêu cực, TN của DN sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của DN…
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với DN trên quan điểm không được lơ là, bỏ sót trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát DN. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm bình đẳng về thanh tra, kiểm tra của Nhà nước đối với các loại hình DN; Hoàn thiện chế độ giám sát tài chính ở các loại hình DN, bảo đảm các kết quả tài chính sát thực, công khai, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình của các DN, chống hiện tượng “chuyển giá”, “hạch toán sai”; Nâng cao chất lượng và trách nhiệm của cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát DN, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, TN, câu kết, móc ngoặc trong thanh tra, kiểm tra; “Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật”…
Thứ năm, đối với các DN Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của Nhà nước, ngoài 4 nhóm giải pháp nêu trên, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Tiếp tục cơ cấu lại DN Nhà nước theo hướng: “Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng; Lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước”.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực trong các DN: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức Đảng trong các DN Nhà nước, nhất là các DN hạng đặc biệt; Tiếp tục cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của cấp ủy trong các DN Nhà nước; Kiện toàn và nâng cao chất lượng cấp ủy, các ban tham mưu giúp việc cấp ủy đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của tổ chức đảng DN…
- Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ góp phần PCTN, tiêu cực trong các DN Nhà nước: Tập trung làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là Bí thư cấp uỷ, người đứng đầu DN có năng lực, đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm, đặc biệt là đánh giá đúng, bố trí đúng đội ngũ cán bộ cốt cán của DN; Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn có hiệu quả tệ quan liêu, TN, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên tại các DN Nhà nước; Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật...; Kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý DN đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường…
- Hoàn thiện quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là cơ chế kiểm soát từ bên ngoài đối với DN Nhà nước nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, TN, tiêu cực trong các DN; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với DN Nhà nước, nhất là thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực trong các DN Nhà nước; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán và việc chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra, kiểm toán đối với DN Nhà nước...