Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng Việt; Từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng Việt trong những năm tiếp theo; Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga cho biết: Sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%)... Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.
Đồng thời đưa ra định hướng để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Theo đó, triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp bao gồm (i) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; (ii) Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; (iv) Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.
Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023 là nhiệm vụ thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, và là nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tham luận tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hương Thuỷ - Đại diện Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam cho hay: Người tiêu dùng đang đẩy mạnh tiêu dùng theo các hướng sau: Mua sắm theo kênh thương mại điện tử và trải nghiệm đa kênh; Ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao; Ưu tiên các sản phẩm nội địa chất lượng cao; Ưu tiên tiêu dùng xanh, bền vững, trong đó chú trọng các sản phẩm oganic, tốt cho sức khoẻ; Cuối cùng là sản phẩm thân thiện với môi trường…
Tự hào hàng Việt Nam!
Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước sản xuất, hiện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã có sự chuẩn bị khá bài bản, khoa học và đảm bảo các thủ tục về pháp lý. Ông Vũ Đức Thiện – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Sức khoẻ vàng (Thương hiệu Yến Sào Thiên Triều) cho hay: “Các sản phẩm của doanh nghiệp đều đạt và đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đubai, Mỹ… Hiện, thị trường trong nước cũng đang bùng nổ rất mạnh mẽ mặt hàng này. Vì lẽ đó, nếu chúng tôi không phục vụ người tiêu dùng trong nước các sản phẩm đạt chất lượng như vậy sẽ rất có lỗi với nhân dân. Và chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để người dân có sự so sánh tổng quan về các sản phẩm trên thị trường để có một cái nhìn đúng đắn hơn về thị trường này.
Nguyên liệu của chúng tôi chủ yếu xuất phát từ Phú Yên, Nha Trang, Phan Thiết… Còn sản phẩm bổ sung chủ yếu nhập từ nước ngoài như Pháp, hàn Quốc. “Chương trình “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối nhà sản xuất, các cơ quan, Ban ngành trong việc thúc đẩy sản phẩm trong nước và chúng tôi luôn tự hào về các sản phẩm do chúng ta sản xuất. Mình là người Việt Nam thì mình phải tự hào về hàng Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm về nông nghiệp chất lượng cao. Hiện tại, chúng tôi vẫn sẽ vẫn tập trung vào yến vì yến được coi là một trong những “quốc sản” của Việt Nam. Và chúng tôi luôn đẩy mạnh sản xuất để làm sao các sản phẩm yến được giới thiệu, tiêu dùng trên toàn thế giới” – ông Vũ Đức Thiện nhấn mạnh./.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương:
“Công tác bình ổn thị trường luôn được Bộ Công Thương triển khai từ xa, từ sớm. Hàng năm, trước Tết Nguyên đán 3 tháng, bao giờ cũng có Chỉ thị của Bộ và năm nay là Chỉ thị 13 được ban hành ngày 30/10/2023 để chuần bị hàng tiệu dùng dịp Tết Nguyên đán 2023 và năm 2024. Các địa phương cũng tăng cường triển khai các hoạt động để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trước, trong và sau Tết, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán; Thứ hai là kết nối cũng cầu để đưa các sản phẩm sản xuất trong nước và các mặt hàng mà người tiêu dùng hay sử dụng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu dùng xanh… để đưa vào hệ thống; Tiếp nữa là các hoạt động về đẩy mạnh quản lý thị trường và một trong những hoạt động rất quan trọng là phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh đẩy mạnh tiêu dùng trên từng địa bàn, để làm sao vừa đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không để xáo trộn thị trường, dẫn đến mất cân đối về cung – cầu.
Các địa phương hiện nay cũng đang triển khai theo Chỉ thị của Bộ Công Thương, Chính phủ về các hoạt động liên quan đến việc đảm bảo tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, tập trung vào các hàng hoá chất lượng, uy tín, có thương hiệu nhiều năm nay, cũng như có các hình thức mới để chuẩn bị cho người dân một cái Tết Ấm lo. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đang có các chương trình bán hàng giảm giá, để có những túi hàng Tết phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, cũng như túi tiền của người dân trong một năm có rất nhiều biến động. Chúng tôi kỳ vọng, các doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương có đông các khu công nghiệp (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…) sẽ tổ chức các chương trình (Tết đoàn viên, Tết no ấm…), hay tặng quà Tết ý nghĩa cho người lao động./.